"NGƯỜI BỆNH RẤT HÀI LÒNG, MỘT GIỜ SAU THÌ TỬ VONG"
Đào Xuân Vũ
2023-06-16T22:04:48-04:00
2023-06-16T22:04:48-04:00
https://dongyhc.vn/nukeviet/vi/dong-y-hc/goc-nhin-hc/nguoi-benh-rat-hai-long-mot-gio-sau-thi-tu-vong-34.html
/nukeviet/themes/default/images/no_image.gif
Thuoc dong y
https://dongyhc.vn/nukeviet/uploads/logohc3-2.jpg
Thứ hai - 16/05/2022 05:38
Một BV có thể kiếm doanh thu cao bằng cách "chiều người bệnh", kê thuốc kháng sinh, giảm đau mạnh theo yêu cầu. Nhưng về lâu dài thì đây là việc làm thiếu chất lượng và trái y đức.
Vì sao bác sĩ ở Mỹ kê nhiều thuốc giảm đau như vậy? Dưới đây là bài phân tích của chuyên gia Dấu hiệu sinh tồn thứ 5
Trong ngành y chúng ta quen thuộc với 4 dấu hiệu sinh tồn truyền thống (vital signs): mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở. Đến những năm 90 của thế kỷ 20, bắt đầu có phong trào kêu gọi đưa "độ đau" (Pain Level) trở thành dấu hiệu sinh tồn thứ 5 mà nhân viên y tế cần theo dõi và kiểm soát.
Năm 2003, Joint Commission (tổ chức quản lý bộ tiêu chuẩn JCI mà nhiều bệnh viện ở Việt Nam đang theo đuổi) đưa "độ đau" vào bộ câu hỏi đánh giá chất lượng của mình.
Từ năm 2006, quỹ bảo hiểm y tế của chính phủ Mỹ (Medicare & Medicaid) bắt đầu thêm câu hỏi sau vào khảo sát hàng năm về mức độ hài lòng người bệnh (patient satisfaction) cho mỗi tổ chức y tế: "Bệnh viện hay phòng mạch nơi bạn khám chữa bệnh có thường xuyên làm hết sức có thể để kiểm soát cơn đau của bạn không?"
Chúng ta có thể thấy đây là một câu hỏi rất "gợi mở" và có nhiều hậu quả khó lường.
Trả tiền theo mức độ hài lòng
Kết quả của các khảo sát này liên quan trực tiếp đến thu nhập của phòng khám và bệnh viện. Tổ chức có mức độ hài lòng kém sẽ bị trả mức phí thấp hơn. Do vậy các bác sĩ Mỹ bắt đầu thay đổi cách tiếp cận người bệnh theo hướng: "Không từ chối khi người bệnh yêu cầu thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau gây nghiện, chụp hình cận lâm sàng, hay nhập viện".
Có một khoa cấp cứu còn đi xa hơn nữa. Để cải thiện mức độ hài lòng, trước khi được cho xuất viện mỗi người bệnh sẽ được tặng một "túi quà" bao gồm Hydrocodone (một thuốc giảm đau gây nghiện mạnh) .
Vấn đề hài lòng người bệnh và thuốc gây nghiện ở Mỹ cấp thiết đến mức Hiệp Hội Y Khoa Mỹ (AMA) đang kêu gọi các tổ chức đánh giá chất lượng loại bỏ câu hỏi về mức độ đau (Pain Level) ra khỏi các khảo sát hàng năm.
Hài lòng và tử vong
Việc đặt mục tiêu của ngành y tế là sự hài lòng của người bệnh (Patient Satisfaction) được áp dụng triệt để ở Mỹ trong 10 năm gần đây. Đỉnh cao là bộ luật Bảo Hiểm Y Tế năm 2012 (Affordable Care Act) yêu cầu là 1% tổng chi trả BHYT cho mỗi BV sẽ bị "treo", và chỉ có những BV có mức hài lòng cao mới được nhận lại.
Ngành y tế Việt Nam cũng đang theo xu hướng này khi Bộ Y tế đưa ra các tiêu chí chất lượng yêu cầu đo đạc mức độ hài lòng của BN.
Năm 2012, hai giáo sư Đại học Y California UC Davis đăng trên tạp chí Y khoa của Mỹ (JAMA) một nghiên cứu lớn (N=51 946) cho thấy: người bệnh càng hài lòng thì chi phí điều trị và mức độ tử vong càng cao. Những người bệnh hài lòng nhất cũng là những người có nguy cơ tử vong đặc biệt cao trong 4 năm sau đó.
Lý do là hầu hết các BV ở Mỹ gây áp lực với nhân viên y tế để làm người bệnh hài lòng thông qua đánh giá kết quả làm việc (kết quả này ảnh hưởng đến lương thưởng), nhưng lại không cung cấp công cụ và điều kiện để nhân viên y tế giáo dục người bệnh. Thế là nhân viên y tế tập trung "chiều ý" người bệnh (để được đánh giá hài lòng) thay vì cố gắng đạt được điều trị hiệu quả.
GS. Fenton cho biết, nhân viên y tế càng bị gây áp lực về việc làm hài lòng người bệnh thì càng dùng nhiều thuốc kháng sinh, càng làm nhiều xét nghiệm, càng ít khuyên người bệnh bỏ thuốc lá. Vì vậy chi phí điều trị và tỉ lệ tử vong càng tăng.
Trong ngành y, luôn có lúc nhân viên y tế phải từ chối yêu cầu của người bệnh (ví dụ người bệnh có cholesterole cao nhưng lại đòi ăn xúc xích).
Một giảng viên lâm sàng ở bang Missouri (Mỹ) nói: "Nhiều khi chúng tôi phải từ chối người bệnh, dù biết chắc họ sẽ không hài lòng. Như vậy còn tốt hơn là cứ chiều ý để họ rất hài lòng, nhưng một giờ sau thì tử vong".
Nên chiều chuộng bệnh nhân, hay trị bệnh cho họ?
Mục tiêu làm hài lòng người bệnh là mục tiêu đúng, nhưng cần có cách tiếp cận tích cực và có chiều sâu. Nếu nhà quản lý y tế đòi hỏi "làm hài lòng người bệnh" một cách cực đoan thì sẽ có các hiệu ứng tiêu cực.
Qua kinh nghiệm của Mỹ, chúng ta có thể thấy y tế là một ngành rất "nhạy cảm" với các "động lực tài chính" (financial incentives). Chỉ một câu hỏi nhỏ số 14, trong hàng chục câu hỏi quỹ bảo hiểm y tế khảo sát hàng năm, lại có thể góp phần tạo ra một đại dịch thuốc gây nghiện.
Bằng cách "chiều người bệnh" - kê thuốc kháng sinh, giảm đau mạnh theo yêu cầu. Nhưng về lâu dài thì đây là việc làm thiếu chất lượng và trái y đức
Khi khách hàng sử dụng dịch vụ ẩm thực, mua sắm hay khách sạn, họ có thể tự đánh giá được chất lượng của người cung cấp. Nhưng ngành y lại rất khác – đa phần người bệnh không có đủ kiến thức lâm sàng, mà chỉ có thể dựa vào niềm tin nơi người nhân viên y tế.
Trong môi trường y tế thương mại hoá hoàn toàn, một BV có thể kiếm doanh thu cao từ mức độ hài lòng tốt, bằng cách "chiều người bệnh" - kê thuốc kháng sinh, giảm đau mạnh theo yêu cầu. Nhưng về lâu dài thì đây là việc làm thiếu chất lượng và trái y đức.
Mong sao trong xu thế hướng về làm hài lòng người bệnh hiện nay của ngành y tế Việt Nam, các nhà quản lý của chúng ta sẽ cẩn trọng và chọn con đường phù hợp: hướng dẫn và thuyết phục người bệnh đến lựa chọn y khoa đúng, thay vì "chiều chuộng" họ bằng thuốc giảm đau gây nghiện như nhiều bệnh viện ở Mỹ.
Nguồn tin: Trần Đặng Minh Trí, CFA, MBA – Chuyên gia chiến lược y tế CLB Quản lý chất lượng-an toàn người bệnh - http://soha.vn