Gãy xương mác nên tập luyện như thế nào?

Thứ ba - 08/10/2024 21:14
SKĐS - Gãy xương mác tùy vào mức độ gãy, số lượng vết gãy, nguyên nhân gãy, giai đoạn gãy sẽ có bài tập khác nhau nhằm giúp người bệnh giảm tình trạng cứng khớp và nhanh chóng trở lại sinh hoạt khi lành bệnh.
Gãy xương mác nên tập luyện như thế nào?

1. Vai trò của tập luyện với người bệnh gãy xương mác

- Tập luyện giúp người bệnh gãy xương mác tăng tuần hoàn, chống huyết khối vùng cẳng chân gãy.

- Giảm đau và giảm co thắt các cơ vùng cẳng chân, tăng sức mạnh cơ vùng cẳng chân, chống teo cơ.

- Tăng tầm vận động khớp gối và khớp cổ chân, chống cứng khớp.

- Tạo điều kiện tốt cho tiến trình liền xương và liền các tổ chức phần mềm xung quanh.

- Tạo dáng đi đúng.

2. Các bài tập tốt cho người bị gãy xương mác

Tùy thuộc vào mức độ gãy, kín hay hở, số lượng vết gãy, nguyên nhân gãy, giai đoạn gãy sẽ có bài tập khác nhau, ở đây trình bày theo giai đoạn điển hình.

2.1 Tuần đầu (1 - 7 ngày đầu)

+ Mục tiêu:

  • Giảm đau, giảm phù nề: Đặt chân, cổ chân và gối cao hơn 20 – 30cm trên mặt giường giảm phù nề.
  • Duy trì sức cơ, trương lực cơ đùi và cẳng chân bên tổn thương.
  • Bất động khớp gối nhưng duy trì vận động của các khớp lân cận cẳng chân tổn thương.

+ Phương pháp - Tập thụ động một số bài tập sau:

- Bài tập duỗi khớp cổ chân: Người bệnh thực hiện động tác dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của các kỹ thuật viên trị liệu:

  • Người bệnh nằm ngửa, người hỗ trợ sẽ giữ gót chân, sử dụng cẳng tay để nâng đỡ bàn chân của người bệnh.
  • Tay còn lại lúc này sẽ đặt lên gối giúp chân người bệnh được giữ thẳng.
  • Tiếp tục gấp cổ chân lại với thao tác kéo nhẹ gót chân người bệnh xuống dưới, lùi mũi bàn chân gấp về sau.
  • Khi khớp cổ chân đã ở trạng thái gấp tối đa, người hỗ trợ thực hiện vận động duỗi khớp cổ chân, lặp lại động tác vài lần theo hướng dẫn.
giam-dinh

Người bị gãy xương mác cần tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

- Bài tập xoay khớp cổ chân: Với bài tập này, kỹ thuật viên cũng sẽ hỗ trợ người bệnh thực hiện như sau:

  • Người bệnh nằm ngửa, chân duỗi thẳng.
  • Người hỗ trợ dùng tay nắm phần trước bàn chân, tay còn lại giữ gối giúp chân không bị xoay.
  • Người hỗ trợ sẽ quay bàn chân vào trong, sau đó ra ngoài.
  • Thực hiện vài vòng lặp động tác giúp chân tập chuyển động lại như bình thường.

- Bài tập vận động khớp bàn chân, ngón chân:

  • Người bệnh nằm ngửa, người hỗ trợ sẽ dùng một tay giữ cổ chân người bệnh.
  • Tay còn lại đặt ngón cái lên ngón chân của người bệnh, vị trí phía mu.
  • Ba ngón tay cuối đặt vào lòng trên khớp ngón chân.
  • Thực hiện động tác gấp ngón chân về phía lòng bàn chân, sau đó duỗi ra.
  • Tiếp tục trong một vài lần.

- Tập gồng cơ tĩnh cơ đùi và cơ cẳng chân 10 lần tăng dần lên 20 lần cho mỗi lần tập, tập 2 lần/ngày.

Nâng chân lên khỏi mặt giường ở tư thế gối duỗi giữ càng lâu càng tốt sau đó hạ xuồng nghỉ 5 phút rồi nâng tiếp 10 lần, tăng dần lên 20 lần cho mỗi lần tập, tập 2 lần/ngày.

Khi đau giảm, cố gắng chủ động gấp và duỗi gối nhẹ nhàng bên tổn thương với biên độ rộng nhất có thể trong phạm vi có thể chịu đựng được.

v4-460px-Exercise-With-a-Broken-Leg-Step-12-Version-2

Người bị gãy xương mác có thể tập nâng chân lên khỏi mặt giường.

2.2 Tuần 2-4 (ngày 8 đến 30)

- Mục tiêu:

  • Giảm nề, tăng cường tuần hoàn dinh dưỡng để kích thích liền sẹo và can xương.
  • Duy trì trương lực cơ, tăng cường sức cơ đùi và cẳng chân bên tổn thương.
  • Tập tăng dần tầm vận động khớp gối từ 0 độ đến 60 độ gập.

- Phương pháp:

+ Tập gấp duỗi khớp cổ chân chủ động tầm 10 lần, tăng dần lên 20 lần cho mỗi lần tập, tập 2 lần/ngày, tập nâng chân lên khỏi mặt giường 20 lần một ngày.

+ Tập gấp - duỗi khớp gối tăng dần mỗi lần gấp tăng 5 độ đến 10 độ gập, 20 phút/lần, 2 lần/ngày. Nếu sau ngừng tập trên 3 giờ mà vẫn đau hoặc sưng nề tăng là tập quá mức, cần giảm cường độ ở lần tập sau cho phù hợp.

+ Tập đi bằng nạng hoặc khung tập đi mà không tì sức nặng lên chân tổn thương.

Phần trên cùng của nạng (đầu nạng) phải cách hõm nách khoảng 3-4cm khi bạn đứng thẳng. Tay cầm của nạng ngang với khớp háng để khi cầm, khuỷu hơi gấp. Giữ chặt đầu nạng vào thân mình, chỉ dùng tay đỡ trọng lượng cơ thể chứ không dùng nách.

Khi bước đi: Chuẩn bị bước đi, nghiêng người về phía trước một chút và đặt nạng lên phía trước chân của bạn. Bắt đầu bước bằng nạng như bạn đang đi bằng chân đau, nhưng thay vì dồn trọng lượng lên chân đau thì bạn dồn trọng lượng vào nạng.

Cơ thể di chuyển nhịp nhàng giữa hai nạng. Kết thúc bước đi bình thường bằng chân lành. Khi chân lành tiếp đất, di chuyển hai nạng về phía trước để chuẩn bị cho bước đi tiếp theo.

73773071-56a6d9983df78cf772908c19

Tập đi với nạng hỗ trợ người bệnh gãy xương mác khi di chuyển.

2.3 Tháng thứ hai (tuần thứ 5 đến 8)

- Mục tiêu:

  • Tầm vận động khớp gối gập được đến 90 độ
  • Tập đi bằng nạng không tì lên chân tổn thương.

- Phương pháp:

  • Tiếp tục tập gấp duỗi khớp cổ chân, co cơ tĩnh và nâng chân lên khỏi mặt giường như trước.
  • Tập gấp - duỗi khớp gối tăng dần mỗi lần gấp tăng 5 đến 10 độ, 20 phút/lần, 2 lần/ngày.
  • Tập đi bằng nạng hoặc khung tập đi không tì lên chân tổn thương.

2.4 Tháng thứ ba (tuần thứ 9 -12

- Mục tiêu:

  • Tầm vận động khớp gối đạt 110 độ gập, duỗi hết cỡ.
  • Chân tổn thương chịu sức nặng tăng dần lên 25% trọng lượng cơ thể.

- Phương pháp:

  • Tiếp tục tập gấp – duỗi khớp cổ chân, co cơ tĩnh và nâng chân lên khỏi mặt giường như trước.
  • Tập gấp – duỗi khớp gối chủ động tăng dần để đạt tầm vận động ít nhất 110 độ.
  • Tập đi bằng nạng hoặc khung tập đi có tì chân tổn thương tăng dần sức nặng tới 25% trọng lượng cơ thể.

2.5 Tháng thứ 4 đến tháng thứ 5

- Mục tiêu:

  • Tầm vận động khớp gối đạt 140 độ gập, duỗi hết cỡ.
  • Tăng dần sức nặng lên chân tổn thương dần dần đạt tới 100% trong lượng cơ thể.

- Phương pháp:

  • Tiếp tục tập gấp – duỗi khớp cổ chân, co cơ tĩnh và nâng chân lên khỏi mặt giường như trước.
  • Tập gấp duỗi khớp gối chủ động và thụ động, tăng dần biên độ để đạt tới tầm vận động bình thường.
  • Tập đi bằng nạng hoặc khung tập đi có tì chân tổn thương tăng dần sức nặng để đạt tới 100% trọng lượng cơ thể vào cuối tháng thứ 5.

2.6 Từ tháng thứ 6 trở đi

Mục tiêu:

  • Tập dáng đi bình thường.
  • Tập hòa nhập gồm tự phục vụ và trở lại công việc.

- Phương pháp:

  • Tập dáng đi bình thường, cân đối không nạng, tự bỏ nạng tập đi. Các bài tập luyện dáng đi. Bài tập với chân phải lên trước, chân trái chống chịu sức nặng.
  • Tập lên xuống cầu thang và đi trên các địa hình phức tạp.
  • Tập tự phục vụ và trở lại công việc.
  • Tập đi bộ nhanh hoặc chạy bộ nhẹ nhàng.
gait-training

Tập dáng đi giúp người gãy xương mác nhanh trở lại cuộc sống bình thường.

3. Những lưu ý dành cho người gãy xương mác khi tập luyện

- Thời điểm tập tốt trong ngày: Tập luyện nhiều lần, khoảng 3 lần một ngày, tránh tập luyện khi cơ thể mệt mỏi, khi đói bụng, quá no, thời gian 20 phút đến 40 phút một ngày.

Khi mới gãy đang đau nhức nhiều, sốt, thể trạng yếu, chảy máu nhiều không tập luyện, đến khi đã xử lý vết thương, cầm máu, bó bột, không sốt, thì bắt đầu tập.

- Cách tập không gây hại sức khỏe:

  • Phải đến khám bác sỹ để biết mình đang ở giai đoạn nào, bài tập cách tập như thế nào cho đúng.
  • Chọn bài tập phù hợp, cường độ tập tăng dần, nên phối hợp nhiều bài tập. Khởi động kỹ trước khi tập luyện, luôn bắt đầu từ từ, tập với cường độ thấp và tăng dần theo thời gian.
  • Tập trong môi trường thông thoáng, ăn mặc rộng rãi, uống đủ nước.
  • Khi triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, đau bụng, tức ngực, hoa mắt thì dừng ngay.
  • Tập luyện với chế độ ăn uống khoa học bổ sung rau củ, vitamin B,C, tránh xa dầu mỡ, chất kích thích như cà phê, rượu.

Để thực hiện các bài tập trên hiệu quả và an toàn cần có sự hỗ trợ và tư vấn bởi nhân viên y tế có chuyên môn.

BS. Vũ Duy Thành

Nguồn tin: suckhoedoisong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây