MẤY CÂU CHUYỆN VỀ BẢN CHẤT CỦA CHÂM CỨU
Đào Xuân Vũ
2024-10-01T07:49:02-04:00
2024-10-01T07:49:02-04:00
https://dongyhc.vn/nukeviet/vi/tin-tong-hop/tuyen-dung/may-cau-chuyen-ve-ban-chat-cua-cham-cuu-25.html
/nukeviet/themes/default/images/no_image.gif
Thuoc dong y
https://dongyhc.vn/nukeviet/uploads/logohc3-2.jpg
Thứ ba - 09/04/2024 03:38
HỆ KINH LẠC LÀ GÌ?
Châm cứu là một phát kiến vĩ đại của Ðông y. Trong Nội kinh, cuốn sách cổ nhất của Ðông y còn lại (thế kỷ III trước Công nguyên) đã nêu lên những nét cơ bản nhất của châm cứu. Sau đó không ngừng được bổ sung thêm bởi các thầy thuốc đời sau. Cơ sở của châm cứu là Kinh lạc. Có thể mô tả ngắn gọn như sau: Con người sống được là nhờ có khí huyết, khí huyết di chuyển trong cơ thể nhờ hệ kinh lạc - đó là một hệ thống gồm các đường kinh chính chạy dọc theo cơ thể và các đường lạc chạy ngang, nối với nhau thành một hệ thống đi khắp toàn thân. Trên đường kinh có các lỗ hổng gọi là huyệt, là nơi khí huyết ra vào. Khi dùng kim châm vào huyệt, tức là tác động vào khí huyết, sẽ có tác dụng điều chỉnh cơ thể chống lại bệnh tật. Và khác hẳn các lý thuyết Ðông y khác thường mơ hồ, những tài liệu châm cứu đã mô tả rất tỉ mỉ đường đi của kinh lạc, vị trí các huyệt. Các nhà châm cứu xưa đã để lại rất nhiều tranh miêu tả châm cứu, đặc biệt Vương Duy Nhất (đời Tống) còn chế tác ra tượng người bằng đồng, trên đó khắc đường đi của kinh lạc và vị trí huyệt, dùng làm công cụ giảng dạy về châm cứu. Tương truyền tượng đồng được đúc rỗng, các huyệt thông vào trong tượng, đến khi thi môn châm cứu, thầy giáo sẽ lấy nến lấp kín các lỗ huyệt, sau đó đổ nước đầy tượng, thí sinh châm kim nếu có nước chảy ra thì mới đúng huyệt.
Từ lâu, giới y học phương Tây đã chú ý nghiên cứu về châm cứu. Không nghi ngờ gì nữa, châm cứu thực sự có hiệu quả. Tính cụ thể rất cao của kinh lạc và huyệt làm các nhà nghiên cứu phải băn khoăn: Không biết đó có phải là một hệ cơ quan mới mà Tây y chưa tìm ra, hay chỉ là hoạt động của những cơ quan đã từng biết. Vào đầu thế kỷ 20, với bước phát triển mới của sinh lý thần kinh, nhiều nhà châm cứu nghiêng về khả năng kinh lạc chính là hệ thần kinh của Tây y. Khoảng năm 1950 Chu Liễn đã xuất bản cuốn Tân châm cứu học, trong đó dùng lý luận thần kinh của Tây y để giải thích về châm cứu. Với xu hướng kết hợp Ðông và Tây y, việc dùng các kiến thức khoa học hiện đại để giải thích châm cứu là một yêu cầu cấp bách. Dần dần đã hình thành 2 quan điểm về bản chất của kinh lạc:
1. Kinh lạc là một hệ cơ quan riêng biệt và mới mẻ, khoa học chưa biết đến.
2. Kinh lạc chính là một hệ cơ quan đã biết.
Chúng ta thử điểm lại các chứng cứ của từng quan điểm.
KINH LẠC LÀ MỘT HỆ CƠ QUAN CÓ THẬT MÀ KHOA HỌC CHƯA BIẾT
Những người ủng hộ quan điểm này đưa ra các bằng chứng sau:
- Hiệu ứng Kiarlan: Năm 1939, Kiarlan (Liên Xô cũ) khi đặt người vào trường điện cao thế thì thấy xuất hiện các dải hào quang chạy dọc theo cơ thể, tương tự như đường đi của kinh lạc trong châm cứu.
- Ðiện sinh vật: Năm 1957, Nakatani Yoshio (Nhật Bản) đã phát hiện có sự thay đổi về điện thế ở vị trí đường kinh và huyệt. Trên cơ sở đó, ông đã chế ra máy dò kinh lạc.
- Năm 1964, Kim Boong Han (Triều Tiên) thông báo đã tìm thấy cơ sở vật chất của kinh lạc với các bằng chứng trực tiếp. Theo ông, đường kinh lạc là một hệ thống đường ống chạy khắp cơ thể, hoàn toàn khác biệt với những hệ thống khác đã biết như hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ bạch huyết. Hệ thống mới này bao gồm các tiểu thể Boong Han, là những huyệt cổ truyền và chứa đầy acid desoxyribonucleic (DNA)... Thông báo này đã gây nên chấn động lớn trên thế giới, đem lại sự hãnh diện lớn lao cho Ðông y. Nhà nước Triều Tiên lúc đó đã tặng Kim Boong Han rất nhiều danh hiệu cao quý, thành lập hẳn Viện nghiên cứu kinh lạc do ông lãnh đạo.
- Năm 1984, Jean Claude Darras (Pháp) đã bơm chất đồng vị phóng xạ vào vị trí huyệt, sau đó dùng theo dõi phát xạ gamma và thấy chất đồng vị phóng xạ di chuyển theo đường giống như đường đi của kinh lạc. Phát hiện này cũng được các nhà châm cứu phấn khởi đón nhận, đưa vào bài giảng của mình và coi đây là chứng cớ chắc chắn về sự tồn tại của kinh lạc...
Thế nhưng giá trị của các bằng chứng trên có thể tin cậy tới mức độ nào? Trước hết hãy nói tới phát minh của Kim Boong Han: Sau một thời gian kiểm tra lại, các nhà khoa học đã khẳng định phát minh của Kim là giả dối. Trên thực tế không hề tồ? tại một hệ thống nào như vậy. Nhà nước Triều Tiên coi đây là nỗi quốc nhục, đã tước bỏ mọi danh hiệu dành cho ông ta. Ðây cũng là một bài học về sự thiếu trung thực trong nghiên cứu khoa học. Còn các bằng chứng khác như hiệu ứng Kiarlan, điện sinh vật, theo dõi bằng đồng vị phóng xạ... chỉ là những bằng chứng gián tiếp, không thể giúp phân biệt được kinh lạc có tồn tại độc lập hay không?
CỔ NHÂN NÓI VỀ KINH LẠC RA SAO?
Cuộc tranh luận về bản chất kinh lạc thực ra còn là cuộc tranh luận giữa hai tư tưởng bảo thủ và cấp tiến trong Ðông y. Trong đó, nhiều khi cả hai bên đã vô tình "vẽ rắn thêm chân", xa rời tư tưởng nguyên thủy của người xưa về kinh lạc. Do đó chúng ta cần phải khách quan xem lại thật ra các y văn cổ nói gì về kinh lạc? Sau đây, chúng tôi xin trích dẫn những tác phẩm kinh điển có giá trị nhất về châm cứu để xem cổ nhân nghĩ về kinh lạc thế nào:
- Thiên Âm dương ướng tượng đại luận - Tố vấn: "Tâm sinh huyết".
- Thiên Ngũ tạng sinh thành - Tố vấn: "Tâm trữ huyết là khí của mạch".
- Thiên Kinh mạch luận - Tố vấn: "Kinh mạch không hiện ra rõ, hiện ra rõ là lạc mạch".
- Thiên Huyết khí hình chí - Tố vấn: "kinh Thái dương thường đa huyết thiểu khí, Dương minh thường đa khí đa huyết v. v...".
- Nạn kinh: "Trong 12 kinh đều có mạch động".
- Châm cứu đại thành: "Thời Vương Mãng bắt được Ðịch nghĩa đảng, Vương Tôn Khánh sai quan thái y và bọn đồ tể mổ ra cân đo 5 tạng, lấy lạt tre thông đường mạch để biết nơi tận cùng, nơi bắt đầu".
- Trong lịch sử y học Trung Quốc có ghi lại cảm tưởng của Tiến sĩ Tất Củng Thìn (đời Minh) khi lần đầu tiên nhìn thấy tranh giải phẫu của phương Tây, ông nhận ra ngay hệ kinh lạc của Trung y chính là hệ tuần hoàn của phương Tây.
Như vậy vấn đề đã khá rõ. Hệ thống kinh lạc mà cổ nhân mô tả chính là hệ tuần hoàn của chúng ta ngày nay. Qua y văn cổ, cho thấy người xưa mô tả hệ tuần hoàn khá rõ với quả tim trữ máu, các mạch máu lớn thì đi sâu trong cơ thể, chỉ có tĩnh mạch nhỏ mới hiện ra ngoài, các động mạch thì đập v.v... Ðồng thời hệ kinh lạc còn có một số sai lầm về giải phẫu. Một sai lầm lớn là các thầy thuốc cổ cho rằng có không khí trong lòng mạch (sai lầm này cũng tương tự như sai lầm của các nhà y học La Mã cổ đại); vì khi mổ tử thi họ luôn luôn thấy có một số ống mạch rỗng, không chứa máu, từ đó sinh ra khái niệm khí - huyết. Ngày nay chúng ta đã biết đó chính là các động mạch, khi mổ tử thi máu đã chảy hết ra ngoài từ trước nên các động mạch thường rỗng, không chứa máu. Từ quan sát này, các thầy thuốc cổ đã nhầm lẫn cho rằng trong kinh lạc có đường kinh nhiều khí ít huyết, hay ít khí nhiều huyết khác nhau. Do sự phát triển của tôn giáo, việc giải phẫu tử thi bị nghiêm cấm nên Ðông y trong hàng nghìn năm sau vẫn phải dựa trên những khái niệm giải phẫu hết sức sơ sài của buổi ban đầu, không có cơ hội tự hoàn thiện như Tây y.
Nguồn tin: Tác giả : Thạc sĩ QUAN THẾ DÂN (Bệnh viện Thống Nhất)