THỦ PHÁP BỔ TẢ CỦA CHÂM KIM
Đào Xuân Vũ
2025-05-12T05:26:56-04:00
2025-05-12T05:26:56-04:00
https://dongyhc.vn/nukeviet/vi/dong-y-hc/du-huyet/thu-phap-bo-ta-cua-cham-kim-1176.html
/nukeviet/themes/default/images/no_image.gif
Thuoc dong y
https://dongyhc.vn/nukeviet/uploads/logohc3-2.jpg
Chủ nhật - 04/05/2025 04:43
Thủ pháp châm chích nói chung có hai loại: Một là thủ pháp bổ, hai là thủ pháp tả. Bổ hoặc tả là căn cứ vào thể chất của người bệnh và bệnh tình mà quyết định. Nói chung là đối với người bệnh có thể chất khoẻ mạnh thì dùng tả pháp, người bệnh thể chất hư nhược thì dùng bổ pháp. Đối với các loại bệnh tình thuộc thực, thuộc nhiệt, thuộc cấp tính thì dùng tả pháp, các bệnh thuộc hư, thuộc hàn, thuộc mạn tính thì dùng bổ pháp. Đối với các loại bệnh tình hoặc nóng lạnh xen kẽ, hoặc hư thực cùng thấy thì dùng thủ pháp bình bổ bình tả.
Thủ pháp bổ tả của châm chích có rất nhiều cách, ở đây xin giới thiệu những thủ pháp bổ tả cơ bản. Thủ pháp bổ tả cơ bản là những thao tác khác nhau, mà ở mỗi thao tác đem lại những hiệu quả khác nhau. Nó có thể sử dụng riêng rẽ, có thể dùng kết hợp với nhau, từ kết hợp ít đến kết hợp nhiều cách một lúc, tuỳ theo tài nghệ của người thầy và yêu cầu của bệnh tình. Có 8 loại thủ pháp bổ tả cơ bản là: Từ tật, khai bế, niệm chuyển, đề sáp, cửu lục, hô hấp, nghênh tuỳ, mẫu tử.
Thao tác, hiệu quả và ứng dụng của từng thủ pháp như sau:
1. Từ tật, là thao tác tiến kim, rút kim nhanh hay chậm. Bổ, tiến từ từ, rút kim nhanh hơn, làm cho dương khí từ ngoài theo kim vào trong sâu một cách êm êm, và khi kim ra thì khí ở trong không kịp theo kim mà thoát ra ngoài, đó là cách bổ. Tả, tiến kim nhanh, rút kim từ từ, làm cho khí ở ngoài không vào trong thêm, khí ở trong theo kim từ từ thoát ra ngoài, đó là cách tả. Từ tật pháp được ứng dụng trong tất cả các trường hợp.
2. Khai bế, là thao tác sau khi rút kim có bịt lỗ kim, hay không bịt lỗ kim tức thì. Bổ là sau khi rút kim, kịp thời dùng ngón trỏ tay trái bịt ngay lỗ kim và day nhè nhẹ mấy lần, làm cho lỗ kim kín lại, khí ở trong không thoát ra được. Tả là khi rút kim thì vừa rút vừa lắc ngang thân kim nhè nhẹ làm cho lỗ kim hơi giãn rộng ra, khi kim đã thoát ra khỏi mặt da, để một lát cho khí có thời gian thoát ra ngoài bớt, sau đó mới sát trùng và bịt kín lỗ kim lại, phép khai bế có thể ứng dụng trong tất cả mọi trường hợp. Chỉ riêng hai phép từ tật và khai bế kết hợp với nhau cũng đem lại hiệu quả bổ hư, tả thực rất mạnh mẽ.
3. Niệm chuyển, là thao tác vừa đếm vừa vê, đếm một tiếng lại vê kim một lần, đếm số lẻ trước, số chẵn sau. Khi đếm số và vê kim có bổ tả như sau: Bổ là khi vê cán kim xoay ngược chiều kim đồng hồ, ngón tay cái lùi hơi yếu và hơi chậm, khi vê cán kim xoay thuận chiều kim đồng hồ thì để ngón tay cái tiến hơi mạnh và hơi nhanh hơn. Tả là ngược lại với bổ, khi vê cán kim xoay ngược chiều kim đồng hồ thì ngón tay cái lùi hơi nhanh và hơi mạnh hơn, khi vê cán kim thuận chiều kim đồng hồ thì ngón tay cái tiến hơi yếu và hơi chậm hơn. Sức vê hơi mạnh hay hơi yếu về hướng phải hay hướng trái có tác dụng như dùng bánh lái, tay chèo để đưa khí trong đường kinh được đúng hướng và tập trung, giống như con thuyền đi đúng giữa dòng nước chảy. ứng dụng của niệm chuyển vào những bệnh chứng kinh khí tán loạn là chính, nhưng cũng thông dụng kết hợp trong khi tiến kim, rút kim cho dễ dàng. Nó có thể được ứng dụng đơn độc đeer kích thích kinh khí trong thời gian lưu kim, cũng có khi kết hợp với tất cả các thủ pháp khác trong khi thao tác châm kim.
4. Đề sáp, là cách nâng ấn kim khi kim được châm vào huyệt vị đến độ sâu đã định, ngón tay cầm kim nâng kim lên rồi ấn kim xuống trong phạm vi tổ chức cơ thể. Bổ là trước nông sau sâu, nhẹ tay khi nâng nặng tay khi ấn, làm cho khí ở tầng nông của kinh mạch theo sức mạnh mà ép vào tầng sâu kinh mạch. Tả là trước sâu sau nông, mạnh tay khi nâng, nhẹ tay khi ấn, làm cho khí ở tầng sâu kinh mạch ép mạnh từ trong ra tầng nông của kinh mạch. Ứng dụng của phép nâng ấn nhằm giải quyết tình trạng mất cân bằng trong quan hệ giữa biểu và lý.
5. Cửu lục, là cách đếm số lần làm thao tác. Số lần lẻ là dương, số lần chẵn là âm, số lẻ gồm: 1, 3, 5, 7, 9, số chẵn gồm: 2, 4, 6, 8. Theo truyền thống, người ta lấy số 9 làm số dương tiêu biểu, số 6 là số âm tiêu biểu. Khi thao tác kim châm như vê hoặc nâng ấn kim, số lần thao tác 9 là bổ; số lần thao tác 6 là tả. Bổ là dương số, tả là âm số, vì vậy số dương cũng chỉ kết hợp với cách vê bổ, nâng ấn theo cách bổ; số âm chỉ kết hợp với cách vê tả, nâng ấn theo cách tả. Không có trường hợp nào vê tả lại làm số lẻ hoặc ngược lại, v. v ... Nếu bệnh tình nghiêm trọng, người ta có thể nâng số 6 hoặc số 9 lên nhiều lần như: 6 x 3; 6 x 6; 9 x 9 v. v ...
6. Hô hấp, là cách khi tiến hay rút kim, bảo người thở ra hay hít vào theo lệnh của thấy thuốc. Bổ là khi thở ra thì tiến kim, khi hít vào thì rút kim. Khi thở ra khí trong con người còn lại ít, ta tiến kim vào, khí theo kim vào, đó là thêm cho cái ít. Khi hít khí vào, khí trong con người có thừa, ta rút kim ra, khí có thể theo kim ra chút ít cũng không làm hại cái có thừa. Tả là khi hít vào ta tiến kim, khi thở khí ra ta rút kim. Khi hít khí vào ta tiến kim, khí theo kim vào là thêm cái có thừa, việc thêm đó là làm thêm có hại; ngược lại khi thở khí ra, khí trong con người còn lại rất ít, ta lại rút kim ra, khí theo kim ra thêm đã làm hại thêm cái còn ít. Bổ tả theo hô hấp được ứng dụng để chữa các loại bệnh chứng về khí hư, thực.
7. Nghênh tuỳ, là cách châm kim thuận hay nghịch chiều kinh khí tuần hành. Mũi kim ngược chiều đường kinh là tả, mũi kim thuận chiều đường kinh là bổ. Ngoài ra, người ta còn suy ra để tiến hành châm thứ tự thuận nghịch cho một số huyệt trong cùng một đường kinh. Nói chung châm thuận đường kinh hay thuận thứ tự đều là thúc cho kinh khí đi nhanh hơn; châm ngược đường kinh hay ngược thứ tự đều làm giảm tốc độ kinh khí. Làm giảm cái nhanh, mạnh là tả; làm tăng cái chậm, cái yếu là bổ.
8. Mẫu tử, là phép chữa bệnh theo quan hệ ngũ hành tương sinh giữa các tạng phủ (bảng 14) và quan hệ ngũ hành tương sinh giữa ngũ du huyệt (bảng 15). Khi một kinh có bệnh, muốn bổ, người ta chọn huyệt trên đường kinh của một tạng phủ có hành sinh hành của tạng phủ có bệnh, hoặc huyệt có hành sinh ra hành của tạng phủ có bệnh. Ví dụ: Tạng có bệnh là can, hành mộc, muốn bổ, ta chọn các huyệt trên kinh thận, hành thuỷ (thuỷ sinh mộc), hoặc chọn huyệt mang hành thuỷ trong ngũ du huyệt trên kinh can là huyệt Khúc tuyền. Cũng bệnh can, ta muốn tả, chọn những huyệt trên kinh tâm, hoặc chọn những huyệt mang hành hoả trên kinh can là huyệt Hành gian.
Nguồn tin: Lê Văn Sửu - Những kỷ niệm chữa bệnh Đông y, NXBYH, 2006