NHÂN SÂM CAO LY
Đào Xuân Vũ
2024-12-12T20:54:33-05:00
2024-12-12T20:54:33-05:00
https://dongyhc.vn/nukeviet/vi/dong-y-hc/vi-thuoc/nhan-sam-cao-ly-988.html
/nukeviet/themes/default/images/no_image.gif
Thuoc dong y
https://dongyhc.vn/nukeviet/uploads/logohc3-2.jpg
Thứ năm - 12/12/2024 04:29
HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG ( tr 335Q1):
Nhân sâm: Vị ngọt hơi đắng , tính hơi hàn, không độc, thăng nhiều hơn giáng, thuộc về dương, trái với vị Lê lô, kỵ muối, ưa vị Thăng ma.Vị này thêm nguyên khí cho ngũ tạng, chữa chứng hư hỏa bốc lên, chứng lao tổn, sinh tân dịch thêm thần chí, trừ chứng kinh sợ, chứng mơ màng, chứng hay quên, lại dưỡng tinh thần, yên hồn phách thêm cho dương sự, là thánh dược để chữa chứng hư hỏa, người khí hư nên dùng , mà người huyết hư cũng không nên bỏ qua. Vị này cứu cho chứng bệnh sắp nguy thoát để vô hình sinh ra hữu hình.Vị này uống với Linh và Truật thời ráo thấp khí, uống với Thục và Mạch thời bổ mà nhuận, uống với Hoàng kỳ thời bổ được ngoài biểu, uống với Bạch truật thời bổ được trung châu.
Phép chế: Thái từng miếng mỏng mà đun bằng nồi sành, mà tán ra phải để giấy trên nồi rang mà sao ở trên mặt giấy. Muốn để lâu thời cùng để với gạo rang. Vị này gói chung với vị Tế tân thời ngàn năm cũng không hư.
THẦN NÔNG BẢN THẢO ( tr 42- 44):
Công dụng : Nhân sâm vị ngọt, tính hàn nhẹ, dưỡng ngũ tạng, an thần, ổn định tâm tạng, trị chứng tinh thần hoang mang, hoảng sợ, loại trừ những nhân tố gây bệnh trong cơ thể . Nhân sâm làm cho mắt sáng, trị suy giảm thị lực, khai mở tâm trí. Dùng trong thời gian dài giúp cơ thể khỏe mạnh kéo dài tuổi thọ. Nhân sâm đặc biệt thích hợp với những người mắc bệnh mất ngủ.
Nhân sâm có tác dụng “ phá vỡ những tích tụ” , phòng chống ung thư, trị các bệnh về tim mạch. Điều hòa huyết áp. Nhân sâm có thể hạ đường máu, tăng cường chức năng hô hấp ( Viêm khí quản mạn, hen suyễn, viêm phế quản, sưng phổi…). Bình thường để bổ khí không thể dùng nhiều. Mỗi ngày chỉ cần dùng vài miếng , đun thành trà uống hoặc hầm lên đều được .
DƯỢC TÍNH CHỈ NAM ( tr 469-531 Q3) :
Sâm Cao ly là quý nhất. Thứ chính thì đầu cuống nó có một gốc mà cổ ngẳng nó to hơn, khắp mình da ngoài có nhiều vành ngang gọi là hoành văn, cứ xem có bao nhiêu hoành văn là biết củ sâm ấy đã mọc bao nhiêu năm rồi. Mùi nó thơm man mát, cắt nhỏ nhấm vào miệng lưỡi thấy nhằng nhặng thơm một cách ý vị ngon lành, nghĩa là nhấm vào miệng thấy thèm thuồng yêu mến ngon ngon thích thú, tiền cam hậu khổ , hậu cam cam.
Bất cứ sâm nào cứ xem thịt chắc đầy đặc vị ngọt mà hơi nhằng nhặng thơm thơm mang mác, nếm vào miệng thấy sinh ứa nước mầu ra nhấm lâu càng thấy ý vị đậm đà , nuốt đi mà vẫn còn thấy có khí vị ở miệng lâu lâu không hết.
Sâm Cao ly mọc tự nhiên rất hiếm…uống nó vào có khi say sưa mệt đến mấy ngày, khi tỉnh dậy mình mẩy đau nhừ đến hàng tháng mới hết, nhưng rồi khí lực dồi dào, thân thể nhẹ nhàng khoan khoái, khỏe mạnh mỗi ngày, sức lực tăng thêm lên nhiều lắm, không còn biết gì là mệt mỏi nữa.
Người ta muốn thử sức khả năng của Nhân sâm, thì thử 2 người cùng chạy trên 1 con đường chừng 5 nghìn dặm, một người ngậm củ nhâm sâm còn 1 người không ngậm chi cả, cứ thế chạy thi, thì người không ngậm sâm thì thở ồ ồ như bò nhọc thở, còn người ngậm sâm thì thấy hơi thở như thường, thì đủ biết nó là thứ tốt hay xấu, và luôn thể cũng để cho người ta biết sức của Nhân sâm hay nhường nào ?
Các thứ sâm vẫn có tính bốc lên, khi uống thấy bốc ít chút là sức sâm bốc đó không can gì, nếu sâm đó uống vào không bốc gì, đó là sâm kém sức vậy.
Sâm tốt chỉ cắt bỏ cuống, rồi thái từng lát mỏng. Khi gặp chứng ẩu thổ đầy bụng nên tẩm nước gừng để cách giấy trên nồi rang mà sao khô. Khi gặp chứng lạnh thì tẩm rượu ngon cũng cách giấy sao khô.
Sâm Cao ly nguyên chất củ nó vốn là sắc vàng vàng trắng trắng. Khi đào lên rửa sạch đồ chín sấy khô, thứ sâm này gọi là Bạch sâm. Còn thứ sâm mà sắc đỏ họ hay bán cho ta là thứ sâm đã hấp chín rồi.
Liều dùng 3 phân đến 3 đồng cân.
Cách hấp: Khi đào lấy củ sâm cắt bỏ cây đi rửa sạch đất cát, ngâm vào nước lã chừng một hai hôm, lại rửa sạch rồi cho vào các sảo thưa để ngay vào lò hấp , hấp như hấp bánh, hấp sôi , cái lò hấp sâm cũng tựa như cái chõ sôi của ta, hấp chừng 7-8 giờ đồng hồ rồi để lên những cái phên trên lò sấy, đốt nóng luôn trong 10 hôm, khi đã thật khô mới bỏ hộp đem bán.
Sâm cao ly vì giá đắt , nên có nhiều cách giả dối , những thứ sâm đã hấp thành sắc đỏ rồi thì tinh tuyết của nó tiết ra kém mất phần hay, người ta thường hay lấy tuyết sâm ấy canh thành cao sâm để bán. Có khi người ta đóng vào những lọ thủy tinh ngâm rượu trông bề ngoài coi bộ ngon lành lắm, nhưng tuyết nó chẳng còn được bao nhiêu ( tr525)
Phép trữ sâm: Sâm để hay mọt, nếu hay để ra nắng gió càng chóng mọt hơn, vả lại sâm không nên phơi ra nắng, sẽ bị hại. Chỉ lấy cái lọ sành, nhất là lọ đã đựng dầu vừng đem nước sôi súc sạch hơ cho thật khô, rồi bỏ Hương tân vào, cách một lượt hương tân lại một lượt sâm, xong bưng miệng lọ thật kín, thì dể lâu không hại gì.
Phép chế sâm: Sâm tốt không cần sao tẩm gì cả, chỉ cắt bỏ cuống đi cho khỏi thổ, rồi thái từng lát mỏng là được. Khi gặp chứng ẩu thổ đầy bụng nên tẩm nước gừng để cách trên giấy nồi rang mà sao khô.
Không biết cách dùng đúng chỗ, thì Nhân sâm dẫu tốt cũng không phải dễ mà dùng được đâu. Có khi dùng nó lâu ngày hoặc quá nhiều có thể sinh ra chứng nhức đầu, hay nằng đầu, chứng phiền nhiễu đầu não, chứng găng mạch máu, chứng đại tiện bí khó đi, chứng dạ dày vớ vẩn, có khi làm người ta không muốn ăn …đó là những điều cần phải biết.
Chữa tim yếu, người bị thần kinh khủng hoảng hư hao, thần hồn không vững chắc, tiêu hóa không được lưu thông …Nhân sâm bổ Phế, bổ trung nguyên khí, chắc 5 tạng …
Nhân sâm trị chứng hư nhiệt phát nóng, mồ hôi tự ra …chứng phiên vị ( lộn mề)…đàn bà mọi chứng thai tiền sản hậu …thất huyết nhiều quá, dùng Nhân sâm bổ khí nhiếp huyết. Nhân sâm bổ hư …
Nhân sâm …lại sát được những thứ độc của các loại thuốc kim thạch có độc …
Nhâm sâm có được Thăng ma thì tả hỏa ở phổi.
Nhân sâm mà được Phục linh dẫn độ thì bổ được nguyên khí ở hạ tiêu, tả hỏa tà ở thận kinh.
Nhân sâm mà có được Mạch môn dẫn độ thì thêm được nước mầu mà thông được huyết mạch.
Nhân sâm mà có được Can khương giúp sức thì bổ được khí lực làm cho ấm thêm.
Nhân sâm mà có được Hoàng kỳ thì bổ được hư lại cố được biểu.
Nhân sâm được cùng Bạch truật thì giúp sức cho tỳ vị khỏe lên.
Khi muốn chữa chứng chân khí bị hư quá, khí đã chẳng về được nguyên vị của nó, nhân đó mà phát ra chứng lồng ngực hay cạnh sườn đầy tức ách nghịch, thì phải dùng Nhân sâm cùng Trầm hương; cũng trị chứng tâm hư mà bị tà làm hại.
Đàn bà có thai mà cứ ra huyết buồn bực không yên, thì phải dùng Nhân sâm cùng Lộc giác giao; cũng dùng cho người bị băng huyết hay huyết lâm.
KỸ THUẬT NUÔI TRỒNG VÀ CHẾ BIẾN DƯỢC LIỆU -NXBNN 1979, tr 7-82
Có 4 loại nhân sâm: Nhân sâm “ Đại mã nha” ( răng ngựa to), rễ của nó to, ngắn cộc, cây mọc nhanh , sản lượng cao; còn củ ( rễ) của loài nhân sâm “ Nhị mã nha” thì hơi to mà dài, cây mọc nhanh, sản lượng cao thứ hai hiện đang được trồng ở nhiều nơi; củ của loài nhân sâm “ Tuyến lô” thì đầu nhỏ, dài, có nhiều nếp vân răn ngang khá sâu; củ của loài nhân sâm “ Viên bàng viên lô” ( đầu tròn hình 2 lá phổi), đầu rễ cái cũng tròn.
Thu hoạch: từ 6-8 năm, 9-12 năm, 20 năm hoặc lâu hơn, thời gian càng dài thì tốc độ tăng trưởng càng giảm, bệnh hại hàng năm sẽ tăng lên.
Chế biến: Chế biến nhân sâm tương đối phức tạp, người ta thường dùng những cách chế biến khác nhau để có những loại sản phẩm khác nhau. Các nơi trồng sâm ở Trung quốc hiện nay ( 1960) đã có hơn 20 phương pháp chế biến nhân sâm, xin giới thiệu vài phương pháp chủ yếu:
1.Chế biến Hồng sâm: Chọn nguyên liệu…Cắt riêng phân loại…Rửa nhân sâm…Chải quét rửa nhân sâm.
-Sấy lần 1: Đưa vào sấy sơ qua khoảng 2-3 giờ, khi củ hơi ngả màu vàng, vỏ đã thấy trong trong thì có thể tắt lửa đi, nhặt từng củ đặt vào dụng cụ phơi nhân sâm, để phơi nắng khoảng nửa ngày hay một ngày.
-Sấy lần 2: Nhiệt độ trong phòng sấy cần giữ ở 50-60 độ, đảo cho nhân sâm khô đều. Những củ nhân sâm đã sấy khô lần 2 sau khi lấy từ lò ra, dùng một bơm phun nước, phun lên nhân sâm ( gọi là dấp ẩm), sau đó lấy những mảnh vải ướt đậy phủ kín lên trên, ủ khoảng 2-3 giờ, làm cho củ nhân sâm mềm nhũn ra; tiếp theo lấy kéo cắt riêng từng rễ phụ, rễ nhánh và rễ cái. Rễ cắt ra sẽ chia theo kích thước to nhỏ cong thẳng để tiện phân loại .
-Sấy lần 3: Sau khi sấy 2 lần phơi khô 1 lần, hạ nhiệt độ lò sấy còn 50-55 độ, ngày thì đem phơi, đêm thì đưa vào sấy, qua 3-5 lần thì có thể sấy khô thì thu được thành phẩm có màu đỏ sẫm, hơi trong trong và trông rất bóng láng, chính là hồng sâm.
2.Chế biến nhân sâm tươi: Chọn nguyên liệu…Cắt riêng phân loại…Rửa nhân sâm…Chải quét rửa nhân sâm.
-Phơi- Hun: Phơi nắng 1 ngày, sau đó hun lưu huỳnh 1 đêm rồi đem phơi nắng ( làm 3-4 lần)
-Sấy: Phòng sấy tăng nhiệt độ từ từ và giữ ở khoảng 40-50 độ.
Một cách khác không cần qua luyện chế gì, chỉ lấy dây tơ tằm xâu lại thành những sâu, rồi đem ra phơi nắng hay đem sấy thế là được. Nhân sâm phơi tươi sau khi bị gãy, thịt chỗ bị gãy đó có màu bạc trắng không có màu khác lẫn vào, thì đó là nhân sâm chất lượng tốt; ngược lại, nếu chỗ bị gãy, trên mặt có màu khác hay màu tạp nham thì là nhân sâm chất lượng kém hơn. Chế biến nhân sâm tươi thu được thành phẩm giữ được thành phần và hoạt chất.
3.Chế biến nhân sâm đường: Ngâm nước, chải sạch đất cát đem
-Luộc và tẩm đường: Đem những củ đã phân loại to nhỏ, dài ngắn khác nhau rồi bỏ vào luộc. Làm như vậy các củ sẽ được chín đều, ngấm đường đều. Luộc kỹ đến lúc nào lấy chiếc kim xiên qua được thì thôi, tiếp đó vớt ra , bỏ vào nước lạnh ngâm khoảng 10 phút, lại vớt ra phơi nắng độ nửa giờ cho nước nhỏ hết, hơi ráo vỏ, sau cho vào thùng để hun lưu huỳnh.
-Bàn kim: là một cái bàn đúc bằng chì có cắm nhiều kim khâu để săm thủng vào củ sâm, xiên khắp 4 mặt, xiên dọc củ sâm.
-Tẩm đường: đem những củ nhân sâm đã được xiên xếp vào nồi, đem nước đường đã nấu kỹ đổ ngập vào nồi xếp nhân sâm để ngâm. Sau 24 giờ thì vớt ra; dùng nước ấm chùi sạch nước đường bám dính ở vỏ, đem phơi nắng cho vỏ củ se lại rồi đem vào sấy, nhiệt độ phòng sấy từ 40-45 độ, độ khô là nước đường ở vỏ củ sờ không thấy dính là đạt tiêu chuẩn thương phẩm.
4.Sảm phẩm phụ của nhân sâm:
-Chè ( trà) nhân sâm: làm từ nụ hoa và lá nhân sâm, có tác dụng dễ tiêu, tinh thần thoải mái dễ chịu.
-Cao nhân sâm: làm từ thịt quả, thân cây và những rễ không dùng, những củ thối và nước ở trong khung xếp nhân sâm lúc hấp sấy lần đầu để chế biến thành.
-Si rô nhân sâm: đem dung dịch nước đường lúc chế biến nhân sâm đường, đun cô thật đặc, sau đó phơi khô, cắt miếng. Nó chứa một số chất bổ, trẻ con sau khi ăn có tác dụng tốt đến sự phát triển cơ thể.
-Men nhân sâm: là thứ nước chảy đọng ở khung xếp nhân sâm lần thứ nhất với một ít đường trắng, đun sôi rồi đổ vào trong lọ, đem để ở chỗ có nhiệt độ nhất định, để như vậy nó tự lên men, thành men nhân sâm.
-Hơi nước nhân sâm: lúc hấp sấy nhân sâm lần 1, có một số thành phần chất bổ của nhân sâm bốc bay theo hơi nước, nếu hứng lấy hơi nước đó bằng ống dẫn hơi qua bộ phận làm lạnh cho chúng ngưng tụ lại. Hơi nước thu được là nguyên liệu chủ yếu để luyện chế nhân sâm làm thuốc.
-Dầu nhân sâm: lúc hấp sấy lần 1, củ rễ sẽ tiết ra một ít nước nhựa dính vào khung xếp, gột ra đem ép thì sẽ được dầu nhân sâm màu vàng. Cũng có thể làm nguyên liệu, giá trị còn cao hơn nước nhân sâm.
Nguồn tin: VLV tổng hợp - Đông y HC.