TRẦM HƯƠNG

Thứ bảy - 08/03/2025 04:31
HTLO - Dược phẩm vận yếu:
“Khí vị: Vị cay không độc, khí thì hậu, vị thì bạc, thăng được, giáng được, là dương dược, vào Túc dương minh, Túc thái âm và Túc thiếu âm. Trên đến tận trời, dưới đến tận suối, chẳng úy kỵ gì. Lại có kẻ nói: Vào cả kinh Thủ thiếu âm và Túc quyết âm.
Chủ trị: Bổ thận khí, nén giúp âm dương, chữa chứng lỵ càng tốt, thổ tả cũng chữa được. Mọi tà độc, uế khí, thũng độc, phong thủy, tâm phúc nhức đau, hoắc loạn, điều hòa 5 tạng, truyền thi cũng trừ được; ấm lưng gối, mạnh nguyên dương, phá tích báng, tan uất kết, điều hòa được hết thảy khí lạnh, khí uất, khí nghịch, là thuốc hàng đầu để giữ gìn điều hòa khí của phần vệ. Khí thơm mà xung hòa điều chỉnh được tỳ và vị. Tính ôn mà chìm xuống ấm được mệnh môn. Lại có kẻ nói: Chữa khỏi được chứng chuyển gân cùng phong lạnh tê dại, đốt xương không thể xoay chuyển được, phong thấp ngứa ngoài da.
Cấm kỵ: Khí thơm ráo chạy tiết ra, phàm chứng trung khí hư mà khí không về nguồn, chứng âm hư hỏa vượng, khí hãm xuống dưới đều không thích hợp.
Cách chế: Cho vào thuốc thang nên mài ngoài hòa vào uống; cho vào thuốc hoàn tán nên tán riêng thật mịn sau mới hòa trộn lẫn.
Nhận xét: Trầm hương bẩm thụ dương khí để sinh, gồm cả tinh khí của mưa móc để kết hợp lại, cho nên khí của nó thơm ngát, trị được phong độc, thủy thũng, là vì phong là dương tà uất ở kinh lạc gặp hỏa quạt vào thì mọi độc phát ra. Trầm hương được tinh khí của mưa mốc cho nên giải được độc phong hỏa; thủy thũng là thấp ở tỳ, ghét thấp mà ưa táo, vị cay thơm vào tỳ mà ráo thấp thì thủy thũng tự nhiên tiêu; phong tà các khí trúng vào con người, phải theo đường miệng và lỗ mũi, miệng , lỗ mũi là khiếu của Dương minh, gặp được khí thanh dương thơm tho tỳ và vị yên mà ác khí trừ hết. Còn chủ mọi chứng đau ở tâm phúc, hoắc loạn, tích báng đều do sức điều khí của nó”.
Đông y phân loại trầm tốt xấu bằng cách: Nếu cho vào nước, trầm chìm xuống tận đáy là trầm tốt nhất; bỏ vào nước mà lơ lửng, không chìm, không nổi là trầm loại 2; còn trầm loại 3 là loại nổi trên mặt nước. Đông y thường dùng trầm loại 2 làm thuốc (vì loại 1 có giá rất cao).
Kỳ hương được phân ra làm những loại: Hắc kỳ (có màu đen, là loại đắt tiền nhất); thanh kỳ (màu xanh xanh, còn gọi là hoàng kỳ) và bạch kỳ (màu trắng đục). Trầm loại tốt có sắc đen, bóng, nặng trịch như khối sắt. Kỳ cũng nặng vậy, nhưng thường có tinh dầu rịn ra bên ngoài ươn ướt. Trên thị trường, có khi người ta giả trầm "xịn" bằng cách, lấy trầm loại 3 khoan một lỗ thật sâu chế chì vào trong đó và bít lại, rồi xoa tinh dầu trầm, đánh bóng. Không rành rất khó mà nhận biết.
Công dụng của trầm - kỳ
Trầm - kỳ có mùi thơm hơi hắc, đặc biệt khi đốt sẽ cho mùi thơm tinh dầu trầm không thể lẫn lộn với một loại hương thơm nào khác. Những vật phẩm chế tác từ kỳ có hương thơm gần như là mãi mãi. Có những đồ trang sức người ta làm từ kỳ nam đeo vài chục năm vẫn còn tỏa hương thơm.
Theo lương y Huỳnh Văn Quang, tinh dầu thơm của trầm - kỳ phối với tinh dầu xạ hương (lấy từ túi thơm của con cầy hương) sẽ tạo ra một mùi hương rất đặc biệt, rất mạnh và quyến rũ. Tùy theo tỷ lệ pha chế giữa trầm - kỳ và xạ hương mà hương thơm được tạo ra sẽ có sức quyến rũ giới tính. Nếu tỷ lệ tinh dầu trầm - kỳ chiếm 85% thì hương thơm này dùng cho phái nam, vì nó cực kỳ quyến rũ phái nữ. Với tỷ lệ pha trộn ngược lại (kỳ - trầm chỉ chiếm 15%), thì hương thơm phối trộn tạo ra sẽ dành cho nữ giới, vì nó có sức lôi kéo phái nam.

Trong Đông y, người ta thường dùng trầm để làm thuốc hơn là kỳ, bởi kỳ quá hiếm và đắt tiền. Trầm có vị đắng, khí giáng xuống (chìm xuống). Còn kỳ thì có vị ngọt, khí bốc lên.
Trầm giúp bổ nguyên dương, bổ thận khí, trợ sức cho công năng của tỳ thận. Ngoài ra, nó còn có tác dụng trợ tim, mạnh tim, lợi tiêu hóa, trị tiêu chảy, chống nôn; tác dụng rất hay trong trường hợp hen suyễn thở dốc. Người có chứng âm hư hỏa vượng (đang sốt, khô gầy) tuyệt đối không được dùng trầm.

Kỳ nam chữa tiểu không cầm được, giúp giao hợp được lâu, rất hay trong điều trị các bệnh tiêu hóa như: đau do hơi dồn tức trong bụng, đau bụng tiêu chảy thể tả. Thường không cho chung kỳ nam với các vị thuốc khác, cũng như không qua đun nấu mà dùng bằng cách mài ra rồi uống. Người ta còn dùng kỳ nam trích tinh dầu để pha chế các loại nước hoa; làm vòng đeo tay, hạt chuỗi vừa để trang sức (hương thơm lưu giữ hằng mấy chục năm) vừa có công dụng trị gió, tránh được cảm mạo.
Trầm hương : Vị cay mà không có độc, về khí thời hàn, vừa thăng vừa giáng, là dương, đi vào túc dương minh, túc thiếu âm, túc thái âm và không chỗ nào là không thông đạt. Có sách nói: lại đi vào kinh thủ thái âm, kinh túc quyết âm
Vị này bổ thận, thuận khí, nén âm khí để giúp dương khí chữa chứng lỵ, chứng thổ tả và trừ được các khí, chứng nề sung vì phong hay thủy, chứng đau bụng trên, bụng dưới, chứng hoắc loạn, chứng trúng phải ác khí, lại ấm lưng gối, mạnh nguyên dương, tán uất kết.Tóm lại là lãnh khí, uất khí nghịch khí vị này điều hòa được cả. Không những điều được tỳ vị mà còn ấm cho mệnh môn. Có sách nói còn chữa được chứng chuột rút, chứng vì lạnh mà tê lần mần, chứng da ngứa vì phong thấp, chứng xương cốt yếu không có sức.
Tuy nhiên , vì thơm ráo mà tiết khí, nên người chân khí hư mà khí không về chỗ cùng chân âm thiếu mà hỏa vượng, và khí hư hãm trở xuống đều không uống được.
Phép chế: Uống với thuốc thang thời mài ra, làm với thuốc hoàn tán thời tán thành bột.
…………………..
Tôi xét vị này vì thơm nên chữa được phong độc, vào được tạng tỳ mà ráo thấp khí nên chữa được chứng nề thũng nước. Đã yên được tỳ thời khí xấu tiêu đi, nên chữa được chứng đau bụng hay hoắc loạn ( Hải Thượng y tôn tâm lĩnh, q1, tr 344-345)
Trầm hương: Cay mà ôn, giáng khí , thông khiếu, đem bỏ vào nước thấy chìm là trầm hương, màu tía thời gọi là mật hương, đốm trắng gọi là tốc hương ( HTQ4, tr 27)
Gỗ Trầm có vị cay, hơi ngọt, tính ấm, có tác dụng giáng khí, hạ nguyên dương, hạ đờm; bổ Thận khí, tăng cường chức năng liễm nạp khí xuống , thêm sức vận hóa Tỳ Thận, giảm đau, gây trấn tĩnh . Thái lan: trợ tim, bổ huyết, lợi tiêu hóa, trừ ỉa chảy, chống nôn, hạ sốt, trị hen suyễn.
*Tiêu được khí xấu đi, Trị được chứng đau bụng, Chứng trên nóng dưới lạnh, Khí bốc sóc ngược thở rốc lên, Ruột già đã hư lại còn bĩ, Tiểu tiện đi đái són mà còn tức hơi ở Bàng quang. Trầm tính hay hóa tan hơi ở trong bụng, làm cho tiêu xuống các bệnh vì khí uất không thông đều nên dùng nó cả.Nó hay giúp sức cho bộ tiêu hóa, thu khí nóng cho êm về chỗ gốc.Người khí lực kém, sụt xuống, hay trung tiện, mắt vàng ăn ít, nhiều chứng hư hao sút kém thì không nên dùng ( Dược tính chỉ nam, Q4, tr 1482)
Chữa: Đau ngực, Đau bụng, Nấc, Nôn mửa, Hen suyễn, Thận hư, Khí nghịch , Bí tiểu tiện, Nam giới tinh lạnh.
Kỵ: Người âm hư hỏa vượng và phụ nữ có thai
Trầm hương: Vị cay hơi ấm, đắng ; quy kinh Tỳ Vị Thận ; công dụng giáng khí nạp thận, đưa đờm giải xuống dưới, thuận khí giải uất , chỉ thống kiện vị  ; chủ trị ngực bụng trướng đau, nấc, nôn mửa, khí xuyễn ; liều dùng 4 phân đến 1 đc ( thuộc nhóm thuốc lý khí: chữa khí trệ, nguyên nhân bệnh do ấm lạnh không vừa phải, ăn uống không điều độ, lo nghĩ nhiều quá mà gây ra) ( Trung y khái luận – tr 127Q2)
 

Nguồn tin: Đông y HC tổng hợp.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây