Bài tập cải thiện chức năng cho người bệnh liệt nửa người

Thứ hai - 23/12/2024 20:29
SKĐS - Khi bị liệt nửa người, người bệnh không chỉ mất chức năng vận động mà còn rơi vào tình trạng chán nản, căng thẳng... Việc thực hiện các bài tập giúp người bệnh cải thiện cả sức khỏe thể chất và tinh thần.
Bài tập cải thiện chức năng cho người bệnh liệt nửa người

1. Vai trò của tập luyện với người bệnh liệt nửa người

Liệt nửa người là tình trạng một bên cơ thể suy yếu, cử động yếu hơn bên còn lại, thậm chí không thể cử động. Ngoài ra liệt nửa người còn có thể kèm theo các triệu chứng khác như mất thăng bằng, khó nói, khó nuốt, tê bì, mất cảm giác…

Đây là tình trạng bệnh lý do nhiều nguyên nhân gây ra, phổ biến nhất phải kể đến là đột quỵ tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, u não, viêm não, viêm màng não, bệnh xơ cứng rải rác…

Trong điều trị liệt nửa người, các bài tập vận động và xoa bóp bấm huyệt đóng vai trò vô cùng quan trọng. Có rất nhiều bài tập được thiết kế dành riêng cho từng tình trạng bệnh lý, giúp cải thiện vận động, tăng tuần hoàn máu, giảm co cứng cơ, hỗ trợ phục hồi chức năng, giảm nguy cơ tái phát nguy cơ gây liệt.

2. Một số bài tập cho người bệnh liệt nửa người

Các bài tập vận động thụ động

Đây là các bài tập thích hợp cho những bệnh nhân giai đoạn đầu, cơ thể chưa hồi phục, có tác dụng ngăn ngừa cứng khớp, duy trì phạm vi chuyển động của các khớp. Cần lưu ý giai đoạn này thông thường bệnh nhân sức khỏe còn yếu, một số bệnh nhân có dị cảm nên các động tác cần thực hiện từ từ, tránh gây đau cho người bệnh.

Cách thực hiện:

Người chăm sóc hoặc kỹ thuật viên hỗ trợ người bệnh giúp di chuyển các khớp ở tay, chân bên liệt, thực hiện các động tác gấp, duỗi, xoay nhẹ nhàng.

Bài tập cải thiện chức năng cho người bệnh liệt nửa người- Ảnh 1.
  • Người bệnh liệt nửa người được hỗ trợ thụ động khi di chuyển tay.

Bài tập thở sâu và thư giãn

Đây là bài tập giúp người bệnh cải thiện chức năng hô hấp, giảm nguy cơ viêm phổi do nằm lâu, giúp giảm đau và cải thiện tâm trạng cho người bệnh.

Người bệnh hít sâu, giữ hơi thở trong 2-3 giây hoặc lâu hơn tùy theo tình trạng từng người rồi thở ra từ từ. Có thể kết hợp bài tập thở với việc xoa bóp vùng ngực để tăng thêm hiệu quả.

Bài tập vận động tay và chân

Nếu người bệnh đã có thể di chuyển được tay chân bên bệnh, cần khuyến khích sớm tập những bài tập này. Đây là những bài tập sẽ giúp tăng cường sức cơ và cải thiện sự phối hợp vận động.

Cách thực hiện:

  • Bệnh nhân nằm ngửa, cố gắng tự nâng cánh tay, năng chân bên liệt lên cao.
  • Nếu bệnh nhân khó thực hiện, người chăm sóc có thể hỗ trợ nhẹ tùy theo tình trạng cụ thể.

Sau khi bệnh nhân đã có thể thực hiện các động tác gấp, duỗi tay chân, có thể nâng độ khó của các bài tập này lên bằng cách tăng thêm trở lực. Lúc này người chăm sóc cũng có thể tham vấn ý kiến chuyên gia để tập trung tăng sức mạnh ở một số nhóm cơ cần thiết, hỗ trợ hồi phục, tránh một số biến chứng sau này như liệt cứng cho người bệnh.

tap-tay-tu-the-nam-1

Bài tập vận động tay và chân.

Bài tập chân và ngón chân

Bài tập này sẽ giúp tăng cường sức cơ ở chân và cải thiện lưu thông máu vùng chân cho người bệnh.

Cách thực hiện: Người bệnh cố gắng gập duỗi cổ chân và cử động các ngón chân. Người chăm sóc có thể hỗ trợ bằng cách xoa bóp hoặc kích thích nhẹ vùng chân.

gap-duoi-va-xoay cỏ chan

Bài tập chân và ngón chân.

Bài tập tay và ngón tay

Các động tác ở ngón tay bao gồm các động tác vận động tinh tế và thường sẽ hồi phục sau. Bài tập này sẽ giúp phục hồi chức năng bàn tay, các ngón tay, cải thiện kỹ năng cầm nắm.

Cách thực hiện: Bệnh nhân cố gắng nắm, mở bàn tay, hoặc cầm nắm các vật nhẹ như bóng mềm, khăn (có thể hướng dẫn bệnh nhân dùng bàn tay lành hỗ trợ tay liệt để tăng cường vận động).

bai tap tay

Bài tập tay.

Bài tập ngồi dậy và giữ thăng bằng

Việc ngồi dậy và giữ thăng bằng này hỗ trợ rất nhiều người bệnh trong việc cải thiện khả năng thăng bằng và kiểm soát thân mình.

Cách thực hiện: Ban đầu người bệnh có thể ngồi dậy với sự hỗ trợ của người chăm sóc, sau đó cố gắng tự ngồi dậy và giữ thăng bằng trong tư thế ngồi.

Bài tập đứng và đi lại

Người bệnh tập đứng lên với sự hỗ trợ của người chăm sóc hoặc dụng cụ hỗ trợ. Khi đã đứng vững có thể giúp người bệnh tập đi từng bước nhỏ và chậm rãi. Tập các bài tập này sẽ giúp người bệnh tăng khả năng di chuyển và có thể tự chăm sóc bản thân.

Các bài tập hỗ trợ các kỹ năng nhai, nuốt, khó nói

Nhiều người bệnh liệt nửa người có kèm theo các triệu chứng như khó nói, khó nhai, khó nuốt. Các bài tập như tập nhai kẹo cao su, tập uống nước, tập phát âm… có thể được thiết kế phù hợp để hỗ trợ người bệnh phục hồi các chức năng này.

Các bài tập phục hồi chức năng khác

Tùy theo sự cải thiện tình trạng sức khỏe của người bệnh, có thể tiến hành các bài tập phục hồi chức năng vật lý trị liệu, vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu. Các bài tập này từng bước sẽ giúp người bệnh cải thiện thêm tình trạng sức khỏe, đồng thời tạo tiền đề cho người bệnh hòa nhập với cuộc sống sau này.

Kết hợp với xoa bóp, bấm huyệt

Đối với người bệnh liệt nửa người, xoa bóp bấm huyệt có tác dụng rất tốt giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm co cứng cơ, ngăn ngừa teo cơ, giảm đau, kích thích hệ thần kinh, tạo cảm giác thư giãn, giảm căng thẳng và lo âu ở bệnh nhân.

Có thể xoa bóp nhẹ nhàng tay chân, vùng cơ cạnh cột sống, các cơ vùng hàm mặt bằng các động tác nhẹ nhàng như xoa, day, ấn. Nên duy trì xoa bóp, bấm huyệt nhẹ nhàng, kiên trì và đều đặn để tạo tác động tích cực lâu dài.

xoa-bop-o-benh-nhan-liet-nua-nguoi

Xoa bóp, bấm huyệt giúp giảm co cứng cơ, teo cơ cho người bệnh liệt nửa người.

3. Một số lưu ý khi tập vận động đối với người bệnh liệt nửa người

Không tự ý áp dụng các bài tập khi chưa được hướng dẫn cụ thể. Cần có đánh giá từ bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để xây dựng chương trình tập luyện phù hợp với tình trạng của từng bệnh nhân. Nên bắt đầu với các bài tập thụ động, nhẹ nhàng để làm quen, sau đó tăng dần mức độ tập luyện khi bệnh nhân đã cải thiện khả năng vận động.

Bên cạnh đó, không ép bệnh nhân thực hiện các động tác quá sức hoặc không thoải mái. Chú ý đảm bảo đúng tư thế và kỹ thuật, tránh các tình trạng gây tổn thương thêm cho người bệnh liệt nửa người. Nên chia thành nhiều buổi tập ngắn thay vì tập liên tục trong thời gian dài. Mỗi buổi tập chỉ nên kéo dài từ 15-30 phút, tùy theo sức khỏe và mức độ hồi phục của bệnh nhân.

Ngoài ra còn cần chú ý cách tập không gây hại sức khỏe:

  • Luôn quan sát sắc mặt, nhịp thở và cảm giác của bệnh nhân trong suốt quá trình tập luyện.
  • Đảm bảo bệnh nhân được cung cấp đủ dinh dưỡng để hỗ trợ cơ thể hồi phục.
  • Luôn đảm bảo kiểm soát tốt các yếu tố gây bệnh như huyết áp, đường huyết, mỡ máu… tránh tái phát bệnh. Theo dõi tiến trình phục hồi của bệnh nhân, đồng thời báo cáo các thay đổi bất thường với bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.
  • Nếu xuất hiện triệu chứng bất thường như đau, chóng mặt, khó thở, cần dừng ngay bài tập và báo bác sĩ.

BS. Nguyễn Huy Hoàng

Nguồn tin: suckhoedoisong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây