Một số bài tập vật lý trị liệu cho chứng liệt mặt
Đào Xuân Vũ
2024-12-30T20:50:33-05:00
2024-12-30T20:50:33-05:00
https://dongyhc.vn/nukeviet/vi/tin-tong-hop/tuyen-dung/mot-so-bai-tap-vat-ly-tri-lieu-cho-chung-liet-mat-133.html
/nukeviet/themes/default/images/no_image.gif
Thuoc dong y
https://dongyhc.vn/nukeviet/uploads/logohc3-2.jpg
Thứ hai - 30/12/2024 20:50
SKĐS - Vật lý trị liệu trong điều trị liệt mặt giúp cải thiện tuần hoàn máu ở mặt, giảm căng cơ mặt và tăng cường sức mạnh cũng như độ linh hoạt của cơ mặt. Các bài tập này thường đơn giản, người bệnh có thể tự tập tại nhà...
1. Vai trò của vật lý trị liệu trong điều trị và phục hồi sau liệt mặt
Vật lý trị liệu đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi cho người bệnh liệt mặt. Các bài tập cho khuôn mặt có thể giúp cải thiện chức năng của khuôn mặt, giảm biến chứng khi bị liệt dây thần kinh số 7 cũng như rút ngắn thời gian phục hồi.
Việc tập vật lý trị có tác dụng tăng cường sức mạnh cho một số cơ mặt, đồng thời rèn luyện cho não khả năng nhận diện những xung điện cần thiết để điều khiển các cơ khác nhau trên khuôn mặt. Điều này sẽ giúp người bệnh sử dụng được các cơ mặt như bình thường sau khi đã khỏi bệnh.
Nhiều nghiên cứu cho thấy các bài tập liệt dây thần kinh số 7 phù hợp với người bị liệt mặt trung bình và các trường hợp mạn tính. Trong những trường hợp cấp tính, tập cơ mặt sớm cũng góp phần giảm thời gian hồi phục.
2. Một số bài tập bổ trợ hạn chế suy nhược thần kinh tốt cho người bệnh liệt mặt
Vật lý trị liệu có thể dùng nhiệt nóng, điện xung, điện phân, xoa bóp. Tập các cơ mặt qua các bài tập từ chủ động, trợ giúp đến đề kháng. Người bệnh tự tập qua gương nhắm mắt, huýt sáo, thổi lửa, ngậm chặt miệng, mỉm cười, nhăn trán, phát âm những từ có âm môi B, P, U, I, A…
Dưới đây là một số bài tập bổ trợ hạn chế suy nhược thần kinh, giúp nhanh lấy lại cảm giác cơ mặt mà người bệnh có thể tự tập tại nhà:
Bài tập 1: Lấy đầu ngón tay trỏ và ngón giữa để massage nhẹ nhàng vùng thái dương rồi di chuyển dần đến vùng trán. Tốt nhất là thực hiện động tác này ở cả hai bên và làm hai tay cùng lúc. Massage trong khoảng 15 giây rồi mới chuyển sang động tác khác.
Bài tập 2: Sử dụng 2 đầu ngón tay như động tác trên nhưng lần này là massage đều ở vùng má hai bên rồi di chuyển dần đến vị trí hai cánh mũi. Để mang lại hiệu quả tốt nhất, cần thực hiện nhịp nhàng, đều tay. Thực hiện khoảng 15 giây rồi chuyển sang bài tập khác.
Bài tập 3: Bài tập này sẽ massage ở phần má dưới, sau đó di chuyển dần dần ở 2 bên đến vị trí khóe miệng. Thực hiện đều tay, nhịp nhàng ở hai bên trong khoảng 15 giây.
Bài tập 4: Dùng lực tay massage hai bên cằm thật đều theo hướng đối xứng nhau. Thực hiện thật đều tay trong khoảng 15 giây, trước khi chuyển sang động tác khác. Động tác này nhằm mục đích cho người bệnh lấy lại cảm giác ở vị trí cằm.
Bài tập 5: Lấy ngón trỏ và ngón giữa để thực hiện massage từ vị trí cánh mũi kéo căng cơ mặt dần đến vị trí trán. Sau đó thực hiện theo hướng ngược lại và kéo dãn cơ xuống lại vị trí má dưới. Động tác này thực hiện khoảng 15 giây rồi mới nên chuyển sang bài tập khác.
Bài tập 6: Sử dụng lòng bàn tay kéo cơ má dãn dần ra rồi di chuyển dần đến vị trí thái dương từ 3, 4 lần. Tiếp theo hãy thực hiện massage bằng lòng bàn tay tròn đều ở toàn bộ má theo hướng kéo lên thái dương. Thực hiện thật đều tay ở cả hai bên má cùng một lúc. Thực hiện massage theo động tác này trong khoảng 15 giây.
3. Lưu ý khi tập luyện đối với người bệnh liệt mặt
Trong quá trình tập, tốt nhất nên làm trước gương để đảm bảo đúng động tác. Cần kiên nhẫn thực hiện và massage những cơ mặt nhẹ nhàng.
Tùy từng tình trạng của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ có thể tư vấn tần suất và mức độ tập luyện phù hợp. Tốt nhất nên thực hiện các bài tập ít nhất 3 lần mỗi ngày. Nên chú ý khuôn mặt khi thực hiện các bài tập, tập trung quan sát, để có thể cảm nhận đặc biệt là bên phần mặt bị liệt, cố gắng thực hiện từ từ theo từng bước nhỏ.
BSCKI Nguyễn Tiến Quân
Khoa Ngoại Thần kinh (Bệnh viện 19-8)
Nguồn tin: suckhoedoisong.vn