Từ xưa, cao hổ cốt đã được coi là loại thuốc quý, đặc biệt cho những người bị phong thấp. Người ta đồn rằng nếu bị thấp khớp nặng, chỉ cần uống nửa lạng cao hổ cốt (tất nhiên phải là loại xịn) thì... dứt ngay. Còn nếu kiếm được miếng xương bánh chè hổ thì... trên cả tuyệt vời. Đang bị thấp khớp sưng vù cả đầu gối, lấy xương bánh chè hổ mài ra, uống xong, chỉ hai giờ sau là... dịu dàng hẳn.
Rồi dân gian lại có huyền thoại là trong các loài động vật, thì xương hổ và xương... người là tốt ngang nhau, xếp thứ hai là xương con báo và tiếp nữa là xương mèo đen. Chả thế mà ngày trước, đã truyền đi không ít chuyện về những kẻ vô lương đào mả người chết, lấy xương đem... nấu cao? Chuyện chắc cũng bảy hư ba thực, nhưng cũng đã có một vụ án đào mả người chết vì bị sét đánh chết lấy xương đem nấu cao hay làm... bùa hộ mệnh xảy ra ở tỉnh Lai Châu (cũ). Đó là Trần Hùng Sơn, người hiện đang bị tù chung thân trong vụ án tham nhũng Mường Tè.
Vào năm 1983, cô Vũ Thị Lê, sinh viên Trường Y của tỉnh Lai Châu về thực tập ở Bệnh viện huyện Điện Biên. Một hôm, trên đường đi về nhà, khi ngang qua sân bay Mường Thanh, cô bị sét đánh chết và sau đó được gia đình mai táng tại nghĩa trang Hòa Bình. Từ lâu rồi, gia đình đã biết có việc một số người hay đi tìm những người bị sét đánh chết để mua xương... Cho nên phải cử người trông nom mộ cô.
Người thì bảo rằng khi người bị sét đánh, toàn bộ năng lượng... sét được tích tụ vào mấy đốt xương sống. Nếu có đốt xương ấy, đeo vào người sẽ tránh được cảm mạo, phong hàn và tránh được cả... đạn bắn (?!). Người thì nói rằng bộ xương đó đem nấu cao thì còn hơn cả... cao hổ cốt (?!).
Vốn là kẻ rạch giời rơi xuống, bao nhiêu năm sống bằng nghề buôn lậu và lừa đảo nên Trần Hùng Sơn bèn thuê Chu Minh Chiến ở xã Thanh Minh đi tìm. Chiến đã tìm ra một nhân viên của bệnh viện huyện từng tham gia mai táng cô Lê và bà đã chỉ cho hắn ngôi mộ của cô.
Ngay đêm đó, Chiến cùng ba người nữa là Diệp, Điền và Tài ra đào mộ cô lấy xương và giao cho Trần Hùng Sơn. Nhận bộ xương xong, Sơn trở mặt bảo là còn thiếu một đốt xương sống... tích điện, cho nên chỉ trả cho họ tiền công mua đủ 1kg thịt lợn và một chai rượu trắng.
Chả hiểu cô Lê có linh thiêng hay không nhưng sau đó, hoạn nạn liên tiếp đổ xuống đầu mấy người.
Chu Minh Chiến chết đột tử ở tuổi 36, anh Tài chết một năm sau đó ở tuổi 46; ông Diệp thì cháy sạch nhà cửa, đồ đạc. Còn người tên là Điền thì họa lại giáng xuống đầu anh con trai mới 16 tuổi. Anh ta bị sâu răng, chả hiểu nghe ai xui mà lấy chiếc đinh gỉ ở chuồng lợn cho vào... ngoáy và bảo là “lấy độc trị độc”. Hậu quả là bị nhiễm trùng uốn ván chết. Còn Trần Hùng Sơn, leo lên chức Tổng giám đốc, nhưng cũng vào tù...
Trở lại chuyện các loại cao.
Về mặt lý thuyết thì tất cả các loại xương động vật đều có thể nấu cao được, chỉ có điều tốt nhiều hay tốt ít, và loại cao đó chữa được bệnh gì.
Có mấy loại thường thấy là cao ban long, cao khỉ, cao quy bản, cao trăn, cao gấu, và hiện nay có một loại cao đang được “quan tâm”, đó là cao mèo nấu toàn tính.
Thiết tưởng cũng nên nói sơ qua một vài loại cao thông dụng để giúp bạn đọc có thêm “vốn”, từ đó nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn bịp bợm của dân nấu cao rởm.
Cao ban long là thứ cao tương đối rẻ hơn cả vì được nấu từ gạc nai, sừng hươu. Hàng năm, cứ vào cuối mùa hạ, hươu, nai cọ đầu vào cây làm cho sừng rụng. Gạc tức là sừng, chỉ có xương mà không có lông, da và nặng khoảng 3 đến 5 kg. Gạc nai còn tươi, nếu chẻ ra thì thấy có màu vàng ngà... Tuy nhiên, loại gạc đã rụng thì chất lượng kém xa so với gạc của con nai hay con hươu bị bắn. Gạc hươu quý hơn gạc nai, và thường đắt gấp ba bốn lần.
Cao ban long có vị ngọt, hơi mặn, tính ôn và tác dụng vào kinh Thận, Tâm, Can. Cao ban long có tác dụng bổ nguyên dương, chủ trị các bệnh lậu huyết, băng huyết, đau lưng, mỏi gối... Tóm lại là cao ban long dành cho phụ nữ tốt hơn nam giới.
Cao ban long nấu cũng khá cầu kỳ.
Trước tiên phải làm sạch gạc nai, sừng hươu bằng cách đun với phèn chua khoảng nửa giờ, sau đó dùng bàn chải sắt chà sát cho hết cái lớp đen bám bên ngoài. Phơi cho xương thật khô rồi cắt thành từng đoạn như khẩu mía và chẻ làm ba, làm tư; cạo hết những chỗ còn tủy, rồi đem gạc đã chẻ nhỏ tẩm với nước gừng trong khoảng vài ba tiếng rồi lại sấy khô.
Người ta đan một cái giỏ hình tròn nhưng rỗng ở giữa và xếp xương xung quanh. Chỗ rỗng đó là dùng để múc nước cốt ra. Đổ nước cho ngập xương khoảng một ngón tay, nên nhớ là phải dùng nước mưa, dùng nước sông, nước ao hay nước máy đều không tốt. Khi nấu, thấy nước cạn đến xương thì lại lấy nước sôi chế thêm. Nếu thấy có bọt thì phải vớt ra bởi lớp bọt đó sẽ làm cao chóng hỏng. Được hai ngày thì lấy nước cốt lần thứ nhất ra và tiếp tục đun lấy nước hai, nước ba... Nước cốt cao đã nấu phải được lọc bằng túi vải thật kỹ sau đó hòa ba nước lại để cô chung. Khi cao gần đặc thì phải cô cách thủy hoặc dùng cát nóng và hạ dần nhiệt độ xuống khoảng 40oC. Khi cao đặc, lấy dao cắt, hai mép vết cắt không liền lại là được.
Trong nấu cao, lúc cô cao là mệt và mất thời gian nhất bởi vì cao đặc, quấy rất nặng tay và phải quấy liên tục, nếu không, cao dễ bị khê... Cao ban long loại tốt là kéo được thành tơ ở hai đầu ngón tay. Đây là đặc điểm rất riêng biệt mà không loại cao nào có được. Một nồi cao ban long tiêu chuẩn là cứ một khối lượng gạc hươu thì đi với hai khối lượng gạc nai.
Cao xương khỉ cũng được coi là loại cao có tác dụng bổ can thận, ích cốt tủy, người bị bệnh lao phổi uống cao khỉ rất tốt. Còn muốn nấu cao khỉ toàn tính (nấu cả xương lẫn thịt) thì chế biến thịt rất công phu và phải dùng quế chi, thảo quả, hoa hồi để tẩm ướp.
Cao quy bản tức là cao nấu bằng mai rùa, yếm rùa. Cao quy bản trị sốt rét, tâm hư thận kém, âm suy, mỏi lưng, đau gối...
Về cơ bản thì tất cả các loại cao đều có tác dụng bổ và nếu uống có chừng mực thì “không bổ âm cũng bổ dương”... Tất nhiên, đấy là đối với người khỏe, còn với người có bệnh, nếu uống nhầm cao, không khéo là... đi “ăn chuối cả nải” sớm. Như cao hổ cốt chẳng hạn, người đang bị âm suy, hỏa vượng mà lại dùng cao, có khi loạn đầu óc, phát rồ phát dại.
Cao hổ cốt vì sao lại được coi là vị thuốc đặc biệt quý như vậy? Trong xương con hổ có cái gì?
Theo sách thuốc thì cao hổ có vị mặn, tính ấm. Khi uống, cao dẫn vào kinh Thận và Can và có tác dụng bổ dưỡng gân cốt, trục phong hàn. Cao hổ cốt chủ trị phong thấp tê bại, làm mạnh xương cốt...
Đấy, về cao hổ cốt, sách vở chỉ nói cơ bản có vậy. Nhưng vì có chất gì trong xương mà cao hổ cốt lại tốt với xương cốt như vậy? Tôi nhớ là từ hai chục năm trước, tôi có đọc trên tạp chí Y học có một bài phân tích về giá trị của cao hổ cốt của một giáo sư bác sĩ tại Quân y Viện 103.
Hóa ra là trong xương hổ có một lượng acid amin cao gấp 900 lần các loài xương động vật khác và có tỉ lệ đạm toàn phần rất cao. Với lượng acid amin cao như vậy, cho nên khi uống vào, nó làm cho người ta thấy khỏe khoắn, khoan khoái và hết đau xương, đau cốt. Và khi người ta thấy khỏe mạnh thì cái gì mà chả dám xông pha, kể cả “cái chuyện kia”. Còn nói cao hổ có tác dụng như Viagra thì đó là lời của những gã lang băm và những ông chủ lò cao... rởm.--PageBreak--
Để nấu được nồi cao hổ cốt thì trước hết là phải có bộ xương hổ và phải là bộ xương hổ đầy đủ, không được thiếu mảnh xương nào và cũng không được lẫn các loại xương khác. Xương hổ quý nhất là xương chân trước (hay còn gọi là xương tay) rồi xương chân sau, xương đầu, xương sống liền với xương đuôi. Xương tay hổ hơi vặn khuỷu và phía trên xương bả vai có lỗ “thông thiên”, xương sườn cũng hơi bị vặn vỏ đỗ. Trong các loài vật thì chỉ có con hổ và báo là có lỗ “thông thiên” và cao báo cũng tốt không kém cao hổ cốt là mấy. Răng hàm hổ có hình chữ “tam sơn”, tuy nhiên đặc điểm này hơi khó nhận biết.
Bộ xương hổ để nấu cao, tốt nhất là phải trên 10kg, còn nếu được từ 15kg trở lên thì tuyệt vời. Những người thợ săn có kinh nghiệm cho biết là con hổ nếu nặng 100kg thì cho 10kg xương khô. Xương hổ bị chết trong rừng lâu ngày có màu trắng đục và hay bị mủn, còn xương hổ săn bắn được thì có màu trắng ngà. Xương bánh chè hổ được coi là quan trọng nhất trong cả bộ xương. Nồi cao hổ cốt nếu thiếu xương bánh chè thì coi như mất... một nửa.
Theo Lương y Nguyễn Thiên Quyến, Chủ tịch Hội Y học cổ truyền Hà Nội thì bộ xương hổ tốt mà chế biến không đúng cách cũng coi như hỏng. Ông cũng cho biết là xương hổ để càng lâu ngày càng tốt, còn nếu xương hổ đem nấu cao khi còn tươi thì chất lượng cao rất kém và tanh.
Nấu cao hổ cốt, tốt nhất là phải có... 5 bộ xương hổ và cứ 1kg xương đã chế biến theo đúng quy chuẩn sẽ nấu được hơn 200gr cao. Để cho cao hổ thêm uy lực và “dẫn” nhanh, người ta pha thêm xương sơn dương theo tỉ lệ 10 hổ 2 dương. Cũng vì vậy mà mới có câu "phi sơn dương bất thành hổ cốt”. Người ta cũng có thể cho thêm xương khỉ hoặc xương mèo đen, thậm chí bây giờ cho thêm cả mai rùa vàng... nhưng thật ra, những loại này chỉ làm cho nồi cao... thêm nhiều mà thôi.
Nấu cao hổ cốt phải qua ba giai đoạn: Làm sạch xương; sao tẩm và nấu cô.
Để làm sạch xương hổ, người ta có nhiều cách.
Cách mà bà con miền núi hay làm từ ngày xửa ngày xưa là cho bộ xương vào rọ, đem ra suối... ngâm độ hai tháng, cho rữa hết thịt, gân bám ở xương rồi đem xương đó phơi ở chỗ râm trong khoảng vài ba tháng nữa, khi nào ngửi bộ xương không còn mùi nữa là được. (Cách này là đúng nhất, bộ xương có chất lượng tốt nhất). Còn bây giờ, chả ai có thời gian chờ đợi như thế, có được hổ là đem nấu ngay.
Phải đem xương tươi hoặc xương khô nhưng còn dính thịt cho vào nước vôi loãng đun sôi rồi ngâm một đêm và mang ra rửa thật sạch. Cũng có khi người ta luộc xương với lá rau cải... Xương luộc xong, đem ra lấy trấu thóc nếp hoặc cát mịn đánh cho đến khi sáng bóng lên thì thôi. Sau đó đem cưa xương ra từng khúc ngắn như khẩu mía chẻ nhỏ ra, xương nhỏ thì đập vỡ rồi đem luộc với dấm trong vài phút để làm sạch tủy. Rồi lại vớt xương ra, cho vào vại, đổ nước vào rồi đánh đều tay... các mảnh xương cọ vào nhau sẽ làm sạch những tủy, thịt, gân còn sót... Giai đoạn này phải được làm hết sức cẩn thận bởi vì cẩu thả một chút, trong cả đống xương hổ đó, lẫn vài đoạn còn dính tủy là có khi hỏng cả nồi cao.
Xương hổ làm sạch xong thì phải sao tẩm.
Đầu tiên là lá rau cải giã nhỏ cho thêm ít nước và đổ vào ngâm xương để một ngày một đêm rồi đem rửa sạch, sấy khô.
Sau đó lấy lá trầu không giã nhỏ và đổ thêm nước vào ngâm xương ủ cũng một ngày một đêm; lại rửa sạch, sấy khô.
Tiếp theo lấy gừng giã nhỏ tẩm vào xương ủ một đêm và hôm sau mang xương ra sấy ngay, không được rửa lại.
Cuối cùng lấy rượu 40 độ tẩm vào xương và để cho tự khô rồi đem sao với cát sạch cho hơi ngả màu vàng.
Đến lúc đó mới được bỏ xương vào một rọ tre và thả vào nồi, đổ nước mưa hoặc nước cất vào đun.
Giai đoạn nấu cao hổ cốt thì cũng giống như nấu cao ban long, nghĩa là nấu ba nước, và khi cô đặc là phải cô cách thủy... Khi cao đã được thì lấy xương hổ lúc này đã mủn như vôi bột rải xuống mâm và đổ cao lên.
Cao hổ cốt (thật) đem ngâm rượu thì sẽ cho màu đục như nước gạo và khi uống, có dư vị ngầy ngậy thoảng qua nơi cuống họng.
Xung quanh nồi cao hổ cũng vô vàn những chuyện ly kỳ và chủ yếu là do người ta thần thánh hóa mà thôi.
Hổ là con vật được coi là chúa sơn lâm và được nhiều nơi người dân đưa vào đền, miếu để thờ. Chính vì vậy, dù có phải dùng “ông” làm thuốc trị bệnh cứu người thì cũng phải “được sự đồng ý của vong hồn ông”. Vì vậy, trước khi mang xương “ông” đi làm sạch, người chủ nấu cao phải để bộ xương của “ông” xếp theo đúng hình hài trên một chiếc bàn phủ vải điều và bày ở giữa sân.
Lễ vật dâng lên “ông” gồm có một chiếc thủ lợn, đuôi lợn để sống và có hương nến cẩn thận. Trước đó, người chủ phải trai giới ít nhất là bảy ngày, đồng thời không được sát sinh bất cứ con vật nào. Việc cúng lễ được tiến hành trước khi mặt trời mọc, trong thời gian hành lễ, đàn bà con gái không được bén mảng tới...
Bí mật về cao hổ cốt chỉ có vậy và cách nấu cao cũng chỉ có vậy. Tuy nhiên, gần đây, người ta nghĩ ra nhiều mưu mẹo để vừa làm tăng “tính năng tác dụng” của cao hổ cốt nhằm “câu” người mua, đồng thời có vô vàn “ kỹ xảo” để biến một bộ xương chó, xương bê thành... xương hổ, và biến một miếng cao chó thành... cao hổ cốt với “chất lượng”... như thật (?!).
(Còn nữa)