Vì sao sét đánh gây ngừng tim?

Thứ năm - 06/06/2024 02:43
Vì sao sét đánh gây ngừng tim?

Sét đánh trực tiếp có thể tác động đến hệ tim mạch, làm khử cực tim, khiến nhịp tim hỗn loạn hoặc ngừng đập hoàn toàn.

Ngày 5/6, từ 6h đến 9h, khu vực Hà Nội có mưa vừa, to đến rất to kèm sấm sét. Tổng cục Khí tượng Thủy Văn ghi nhận 7.000 tia sét đánh xuống đất. Một bệnh nhân bị sét đánh nguy kịch khi đang cắt rau ngoài đồng.

Theo các chuyên gia, ngoài đặc tính nhiệt gây bỏng, sét có thể gây ngưng tim, ngưng thở do đặc tính điện. Thực tế, cơ thể người có một loại xung điện tự nhiên, được tạo ra khi điện tích đi qua tế bào. Chính sự chuyển động của các tín hiệu điện này cho phép thông tin di chuyển khắp hệ thần kinh, não bộ và các đường dẫn thần kinh xuyên suốt cơ thể. Về cơ bản, xung điện cho não bộ biết nên làm gì trong những trường hợp cụ thể.

Khi sét đánh vào hệ thần kinh, nó trực tiếp làm tổn thương các tế bào, gây tê liệt tạm thời và khiến các động mạch, mạch máu trong não bị vỡ. Điện từ sét cũng có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thống tim và mạch máu. Dòng điện của tia sét có thể khiến tim đập nhanh hoặc chậm hơn bình thường, làm ảnh hưởng đến lượng máu chảy qua cơ thể. Cơ tim cũng có thể bị bầm tím động mạch chủ - động mạch lớn nhất cơ thể bị thương.

Trường hợp ngưng tim thường xảy ra với những người bị sét đánh trực tiếp, loại sét đánh nguy hiểm nhất. Người gặp nạn thường đang ở khu vực trống trải. Điều này tạo ra lượng điện lớn nhất xuyên qua cơ thể so với các tia sét khác. Khác với sét đánh trực tiếp là sét đánh bên (sét đánh vào một vật thể cao, sau đó một phần điện tới nạn nhân); sét đánh trên mặt đất; sét đánh qua bộ truyền phát.

Theo tiến sĩ Jack Keys, khoa Y tế Cơ bản, Trường Y Đại học Oregon, việc ở gần nơi sét đánh cũng khiến dòng điện được tạo ra trong cơ thể. Điều này làm khử cực tim, khiến nhịp tim (được tạo bằng điện trở) trở nên hỗn loạn hoặc ngừng đập hoàn toàn.

 
Sét đánh xuống Hà Nội cuối tháng 5/2024. Ảnh: Vũ Anh

Sét đánh xuống Hà Nội cuối tháng 5/2024. Ảnh: Vũ Anh

Do sét làm gián đoạn hệ thần kinh và tim mạch, nó tác động lan tỏa đến cả phần còn lại của cơ thể, chẳng hạn hệ hô hấp. Ví dụ, một trái tim không bơm máu thường xuyên sẽ không thể xử lý lượng máu nhận được từ phổi. Điều này khiến máu ứ lại, tăng áp lực trong mạch máu và đẩy máu vào các túi khí của phổi. Từ đó, phổi bị tràn dịch. Ngoài ra, sét đánh cũng khiến hệ hô hấp ngừng hoạt động.

Các tác động mạnh mẽ này gây tổn thương lâu dài. Người sống sót sau sét đánh có thể bị rối loạn vận động và tổn thương thần kinh suốt đời, đục thủy tinh thể, tổn thương dây thần kinh thị giác, liệt dây thần kinh mặt, điếc, thường xuyên bị chóng mặt, ù tai. Thực tế, khoảng 50-80% nạn nhân sét đánh đã bị thủng màng nhĩ.

Tổn thương vật lý với cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh dẫn đến các vấn đề về nhận thức lâu dài, gồm trầm cảm, thiếu tập trung, hay quên, phản ứng chậm, khó xử lý thông tin, tự cô lập, theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ.

Do những tác động ngắn hạn và dài hạn, các chuyên gia khuyến nghị lưu ý thời tiết để giảm nguy cơ bị sét đánh. Theo thống kê, khả năng bị sét đánh của một người là một trên 16.000. Đàn ông có nguy cơ bị sét đánh cao gấp 5 lần phụ nữ, chiếm khoảng 85% số ca tử vong do sét. Người làm việc ngoài trời cũng có nguy cơ bị sét đánh cao hơn. Khoảng một phần ba số ca tử vong do sét xảy ra ở các trang trại.

Nguồn tin: Thục Linh (Theo Research Gate, NCBI, Fox Weather)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây