TÌM HIỂU VỀ SỪNG TÊ GIÁC TRẮNG: ĐẶC ĐIỂM VÀ CẤU TẠO

Thứ bảy - 21/05/2022 03:48
TÌM HIỂU VỀ SỪNG TÊ GIÁC TRẮNG: ĐẶC ĐIỂM VÀ CẤU TẠO

Tham khảo:Sừng tê giác là một “bảo vật” không hề xa lạ gì với bất cứ ai. Đặc biệt là ở phương Đông, nơi mà sừng tê giác được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian (như tê giác địa hoàng thang, thanh doanh thang, thần tê đan, an cung ngưu hoàng hoàn, chí bảo đan…). Đối với nhiều người, sừng tê giác được coi là thần dược, chỉ cần mài một ít ra rồi uống với nước là bệnh nào cũng hết.
Tuy nhiên, với số lượng tê giác đang sụt giảm mạnh mỗi năm, đến mức một số loài đã bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng. Với tê giác đen, từ 65,000 cá thể vào năm 1970 đã sụt giảm đến 96% chỉ còn 2,300 cá thể vào năm 1993. Cá thể tê giác Java cuối cùng tại Việt Nam đã bị giết để lấy sừng vào năm 2010 [1]. Việc sử dụng sừng tê giác làm dấy lên các vấn đề nhân đạo và đặt ra một câu hỏi lớn về tác dụng thực sự của sừng tê giác trong y khoa.
Đặc điểm của sừng tê giác
Tuy cùng được gọi là “sừng” nhưng về bản chất sừng tê giác không hề giống với sừng của các sinh vật khác.
Sừng của các sinh vật khác, ví dụ như trâu, bò, dê, linh dương… (thuộc họ Bovidae) thường có cấu trúc 2 phần là: phần phủ bên ngoài với chất sừng (keratin) và các protein khác, và phần xương ở bên trong (Hình 1). Sừng tê giác không có gốc xương ở bên trong mà cấu tạo bởi các tế bào ống và mạng lưới tế bào vô định hình đã bị sừng hóa có nguồn gốc từ lớp tạo sinh của biểu bì (generative layer of epidermis) nằm ngay phía trên đầu nhũ biểu bì (dermal papillae).
Nói một cách khác, sừng tê giác có thể coi là một phần phái sinh của biểu bì. Do quá trình sừng hóa, các tế bào biểu mô của sừng tê giác hầu hết là tế bào chết và quá trình phát triển tế bào mới sẽ diễn ra ở phần gốc của sừng.
Hình 1: Kết cấu của sừng trâu, bò họ Bovidae (Nguồn: VietFuji)
Nguồn gốc của sừng tê giác
Do các chính sách bảo tồn tại các nước có tê giác sinh sống, nên các sừng tê giác được bày bán trên thị trường chợ đen hiện nay đều có thể là hàng buôn lậu từ việc săn bắt trộm, trộm cắp từ các phòng nghiên cứu hoặc hàng giả. Tất nhiên, dù là loại hàng nào thì việc mua bán các sản phẩm này đều là phạm pháp và có thể bị xử lý theo pháp luật nước sở tại [5].
Đối với các phòng nghiên cứu, sừng tê giác thường có nguồn gốc từ các khu bảo tồn hoặc sở thú hiến tặng. Sừng tê giác được thu thập sau khi con vật bị chết tự nhiên (do bệnh hoặc do tuổi tác), tuyệt đối không vì lý do phục vụ nghiên cứu. Trong nghiên cứu phân tích cấu tạo sừng tê giác trắng của Hyeronymus tại Đại Học Ohio, sừng tê giác được lấy từ 2 cá thể: cá thể cái 35 tuổi tại khu bảo tồn The Wilds (tại Cumberland), và cá thể đực 41 tuổi tại Phoenix Zoo [2].
Cấu tạo
Sừng tê giác có cấu tạo từ nhiều tấm sừng chồng lên nhau. Dù quan sát theo chiều ngang hay chiều dọc, các tấm sừng này đều có hình dạng như dải băng. Chúng được cấu tạo từ hai thành phần: tế bào ống sừng hóa và mạng tế bào sừng hóa (Hình 2). Tế bào ống sừng hóa là tập hợp lên đến khoảng 40 lá tế bào vảy (có đường kính từ 300-350um) tạo thành hình ống, gồm phần vỏ bên ngoài và khoang tủy bên trong. Phần mạng tế bào sừng hóa cấu tạo bởi các tế bào hình thoi xen kẽ nhau, bao phủ bên ngoài các tế bào ống sứng hóa.
Hình 2: Hình minh họa cấu tạo của tấm sừng tê giác với các tế bào hình ống và mạng sừng hóa (Nguồn: [1])
Bằng phương pháp quan sát mặt cắt dọc của sừng tê giác phản quang dưới đèn tử ngoại có bước sóng dài, các nhà nghiên cứu đã phát hiện sự khác biệt giữa phần lõi tối ở trung tâm và phần ngoại biên sáng hơn trên cùng một tấm sừng (Hình 4). Phần lõi tối thực chất chính là phần mạng sừng hóa chứa nhiều sắc tố melanin hơn phần còn lại. Khi tiến hành chụp X-quang, phần giữa này vẫn có tương phản mạnh nhờ vào mật độ cao của muối calcium, đi cùng với melanin. Ngược lại, các tế bào ống sừng hóa duy trì màu sắc sáng từ cạnh vào tâm.
Hình 3: Hình ảnh mặt cắt sừng tê giác dưới đèn tử ngoại với phần lõi tối ở giữa và mặt cắt thực hiện bằng phương pháp chụp cắt lớp CT (bên trái) với phần lõi giữa sáng hơn bình thường. (Nguồn: [1])
Sừng tê giác thường có hình chóp nhọn. Nguyên nhân là bởi các tế bào cũ có thể bị ăn mòn do một trong ba yếu tố sau:
– Sự suy giảm keratin do tác động của ánh sáng tử ngoại.
– Các mô bị phơi khô nên tăng tính giòn, dễ gãy.
– Thói quen sử dụng sừng của tê giác trong các trận đấu, cọ sát, mài sừng xuống đất… Đây cũng là lý do mà các con đực thường có sừng ngắn hơn con cái.
Riêng phần lõi của sừng tê giác do có mật độ melanin và muối calcium cao nên có thể giúp cản một phần ánh sáng tử ngoại, duy trì độ cứng và các đặc tính vật lý khác. Qua đó, giữ cho phần lõi ít bị ăn mòn hơn tạo thành hình đỉnh chóp.
Mặc dù sự tồn tại của melanin và muối calcium trong sừng tê giác là vô cùng đặc biệt, nhưng cấu trúc chung của nó hầu như tương đồng với một số loài vật khác như móng của động vật có móng guốc, sừng của các loài họ Bovidae, vuốt của các giống chim họ vẹt [3]. Đặc biệt keratin cũng là thành phần dễ dàng tìm thấy trong móng tay và tóc của con người.
Trong tình hình giá của một chiếc sừng tê giác quý hiếm và việc buôn bán bị coi là phạm pháp hiện nay, những cái tên bên trên như trâu, ngựa, bò, dê, móng tay, móng chân..có thể là lựa chọn thay thế cho những người có nhu cầu [4].

Thực hiện: Trungmaster
Tham khảo:
1. 
Extinction of the Javan Rhinoceros in VietNam, WWF global, 2011.

2. Homberger DG., 2001. The Case of The Cockatoo Bill, Horse Hoff, Rhinoceros Horn, Whale Baleen, and Turkey Beard: The Intergument As A Model System to Explore The Concepts of Homology and non-Homology, In: Dutta HM, Datta Munshi JS, editors. Vertebrate functional morphology: horizon of research in the 21st century. Enfield, NH: Science Publishers, pp. 317-343.
3. Phan Xuân Trung, “Dùng sừng trâu thay sừng tê giác trong điều trị”, 2014


 

Nguồn tin: www.thuocvuonnha.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây