HUYỀN THOẠI VỀ SỪNG TÊ GIÁC

Thứ hai - 23/05/2022 23:43
HUYỀN THOẠI VỀ SỪNG TÊ GIÁC
Tê giác đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Chấm dứt sử dụng sừng tê giác như một vị thuốc là một việc cấp bách. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc phản ánh sai thực tế những tác dụng của sừng tê giác. Mà trước hết cần tìm hiểu một cách toàn diện những thông tin liên quan đến nó. Vì trên cơ sở đó, mới có thể tìm ra những vị thuốc khác, có khả năng thay thế cho sừng tê giác.
NHỮNG HUYỀN THOẠI VỀ SỪNG TÊ GIÁC
    Thời xưa, ở phương Đông, người ta cho rằng, sừng tê giác là một thứ linh thiêng kỳ dị.
    Đào Hoằng Cảnh (456-536) - nhà bác học và y học nổi tiếng, tác giả sách "Dưỡng sinh diên thọ lục" và "Danh y biệt lục" đã viết: "Dùng chén làm bằng sừng tê giác đựng gạo cho gà ăn, thì gà sợ mà không dám mổ. Đem chén gạo đặt lên nóc nhà, thì chim sẽ cũng không dám ăn".
    Sách "Hoài nam tử" cũng nhận định tương tự: "Đặt sừng tê giác vào hang, cáo không dám trở về".
    Trong "Bản thảo Cương mục", Lý Thời Trân (1518-1593) cũng nói tới một loại sừng tê giác thượng phẩm gọi là "dạ minh tê". Loại sừng này ban ngày và ban đêm đều phát sáng, có khả năng thông với thần linh, có thể xẻ nước, chim bay qua hay thú chạy qua, nhìn thấy đều kinh sợ (năng thông thần linh, phách thủy, phi cầm tẩu thú kiến liễu đô vi chi kinh hãi).
    Trong "Bản thảo Cương mục" Lý Thời Trân còn trích dẫn một số điều nói về tính năng kỳ dị của sừng tê giác, mà các thư tịch cổ đã ghi chép lại, như sau:
    - Sách "Khai nguyên di sự" có nói về loại sừng tê giác có tính năng chống lạnh, gọi là "tịch hàn tê"; loại sừng này màu vàng, xuất xứ từ Giao Chỉ; mùa Đông loại sừng này tỏa ra hơi ấm, làm khí lạnh không nhiễm được vào người.
    - Sách "Bạch khổng lục thiếp" nói về loại sừng tê giác có tính năng chống nắng nóng, gọi là "tịch thử tê”; Đường Văn Tông nhờ có được loại sừng này, mà mùa Hè nóng bức vẫn thấy mát mẻ.
    - Sách "Lĩnh biểu lục dị" nói về loại sừng tê giác có tính năng chống bụi bẩn gọi là "tịch trần tê"; dùng loại sừng này chế ra lược hay châm cài đầu, ... thì người luôn sạch sẽ, không sợ bị bụi bẩn bám vào.
    - Sách "Đỗ Dương biên" nói về loại sừng tê giác có tính năng giúp kiềm chế sự cáu giận, gọi là "quyên phẫn tê"; dùng sừng loại này làm ngọc bội đeo ở đai áo, sẽ giúp người ta kiềm chế được những cơn tức giận.
    Tê giác không chỉ là một vật linh thiêng, với những tác dụng rất kỳ lạ, mà còn có tác dụng giải độc cực mạnh.
    Như "Thần Nông bản thảo kinh” - bộ sách thuốc cổ nhất của Đông y đã viết: "Tê giác có thể giải tất cả các loại chất độc, như chất độc của sâu bọ, nọc rắn, lông chim độc, thậm chí giải được cả độc của lá ngón".
    Trong sách "Bão Phác Tử", danh y Cát Hồng viết: "Tê giác có thể ăn tất cả các loại cỏ độc và các loại cây bụi có gai, do đó nó có thể giải được các chất độc (Tê thực bách thảo chi độc cập chúng mộc chi cức, sở dĩ năng giải độc)".
    Người xưa tin rằng, chén làm từ sừng tê giác có tác dụng phát hiện được chất độc. Nếu rót rượu độc vào chén, thì sẽ thấy sủi lên bọt trắng. Thậm chí người xưa còn cho rằng, bị tên độc bắn trúng, lấy sừng tê giác đâm vào vết thương, lập tức khỏi.
    Cho đến những năm cuối thế kỷ 19, trong giới Đông y còn lưu truyền quan niệm cho rằng, dùng chén làm bằng sừng tê giác đựng thức ăn, thì ngay trong mùa Hè, 3-4 ngày sau thức ăn trong đó vẫn không bị biến chất. Chén tê giác có tác dụng như một chiếc "tủ lạnh" như vậy, vì sừng tê giác là thứ có tính "cực hàn".
    Thực ra, những tính năng kỳ dị của sừng tê giác nói ở trên, cho đến nay vẫn chưa được kiểm chứng một cách khoa học, do đó hiện tại chúng ta vẫn chỉ có thể coi chúng là truyền thuyết.
NHỮNG LOÀI TÊ GIÁC CÒN TỒN TẠI
    Trên thế giới từng tồn tại 5 loài tê giác.
    Theo tài liệu của CITES (viết tắt của cụm từ trong tiếng Anh Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora - Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp): Hiện nay  trên thế giới vẫn tồn tại 5 loài tê giác, nhưng số lượng đã giảm đi rất nhiều. Tại châu Á chỉ còn khoảng 4000 cá thể; còn ở Châu Phi chỉ còn khoảng 25000 cá thể. Một số loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
    Nhìn tổng quát, theo sự phân bố:
    - Tại Châu Á có 3 loài: Tê giác Ấn Độ, Tê giác Java và Tê giác Sumatra.
    - Tại Châu Phi có 2 loài: Tê giác đen và Tê giác trắng.
    Trong số 5 loài trên, Tê giác Ấn Độ và Tê giác Java, là loài tê giác chỉ có 1 sừng; còn Tê giác Sumatra, Tê giác đen và Tê giác trắng là loài tê giác có 2 sừng.
    Tìm hiểu chi tiết hơn:
    1. Tê giác Ấn Độ (Indian rhinoceros):

Tê giác Ấn Độ (Rhinoceros unicornis L.)
    Tên khác: "Đại độc giác tê" (tê giác một sừng lớn), "độc giác tê" (tê giác một sừng); tên khoa học là Rhinoceros unicornis L.; thuộc họ Tê giác Rhinocerotidae.
    Đặc điểm: Tê giác Ấn Độ là loại tê giác lớn, thân dài khoảng từ 3,2-3,5 m; chiều cao ngang vai lên tới 1,8m, cân nặng chỉ kém voi và hà mã; đầu to, cổ ngắn, tai dài, mắt nhỏ, lỗ mũi to. Mũi và tai rất thính, nhưng thị giác kém phát triển. Chân ngắn, to, mỗi chân có 3 ngón có móng, ngón có dạng gần hình bán nguyệt. Da dày và cứng. Mặt da có nhiều u lồi lên; da màu đen xám, hơi tim tím. Ngoài tai và đuôi ra, hoàn toàn không có lông. Da có nhiều nếp gấp sâu, chia bề mặt da thành những mảng giống như áo giáp.
    Theo "Từ điển động vật và khoáng vật làm thuốc ở Việt Nam" của T.S Võ Văn Chi: "Tai là bộ phận duy nhất của cơ thể tê giác có cảm giác đau".
    Số lượng sừng: Cả con đực và con cái đều có 1 sừng. Sừng mọc ở đầu mũi, màu đen, hình dạng như cái chùy, to nhưng không dài, thông thường chỉ dài khoảng 30-40 cm.
    Tập tính: Loài tê giác này sinh sống ở những nơi ẩm thấp, vùng Á nhiệt đới, trên thảo nguyên có nhiều cây bụi rậm. Hoạt động chủ yếu vào ban đêm. Thức ăn là cành cây, chồi non, các loại tre trúc và trái cây.
    Tình trạng bảo tồn: Theo báo cáo của CITES loài này hiện tại chỉ còn khoảng 2500 cá thể, phân bố ở Ấn Độ, Nepal, Butan, Pakistan.
    2. Tê giác Java (Javan rhinoceros):
    Tên khác: Tê giác nhỏ một sừng", "tiểu độc tê giác"; tên khoa học là Rhinoceros sondaicus Desmarest; thuộc họ Tê giác Rhinocerotidae.
    Đặc điểm: Loài này có hình dạng tương tự như tê giác Ấn Độ, nhưng kích thước nhỏ hơn. Da cũng có nếp nhăn.
    Số lượng sừng: Chỉ con đực mới có sừng. Sừng mọc ngay trên mũi. Sừng nhỏ, chỉ khoảng 25cm.
    Tập tính: Sinh sống ở các khu rừng rậm nhiệt đới, thích bơi trong nước, không ưa ánh sáng mặt trời. Thường đi một mình hoặc từng đôi đực cái. Thức ăn là cành cây, chồi non, lá cây, tre trúc, trái cây.
    Tình trạng bảo tồn: Trước kia phân bố ở Miến Điện, Thái Lan, Maylaysia, các nước Đông Dương. Hiện chỉ còn lại không quá 50 cá thể, phân bố chủ yếu ở Java Indonesia. Con tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam đã bị giết 2010.
    3. Tê giác Sumatra (Sumatran rhinoceros):

Tê giác Sumatra (Rhinoceros sumatrensis Cuvier)
    Tên khác: "Tê giác 2 sừng Indonesia", "song giác tê" (tê giác hai sừng); tên khoa học là Rhinoceros sumatrensis Cuvier; thuộc họ Tê giác Rhinocerotidae.
    Đặc điểm: Là loại tê giác nhỏ nhất, thân dài chỉ khoảng 2,4-2,5m, nặng khoảng 500-800kg. Da thô dày. Thân có nhiều lông, màu xám hoặc màu nâu.
    Số lượng sừng: Cả con đực và con cái đều có 2 sừng. Sừng trước mọc ngay ở trên mũi, sừng sau mọc ở đỉnh đầu. Sừng trước dài, sừng sau ngắn. Sừng của con cái nhỏ và ngắn hơn.
    Tập tính: Tương tự tê giác Java.
    Tình trạng bảo tồn: Trước kia phân bố rộng từ Ấn Độ đến Maylaysia và Indonesia. Hiện chỉ còn khoảng 300 cá thể ở Indonesia.
    4. Tê giác đen châu Phi (Black rhinoceros):

Tê giác đen châu Phi (Rhicoceros bicornis L)
    Tên khác: "Tê giác mõm nhọn", "tư giác", "trụ giác", "thiên mã giác"; tên khoa học là Rhicoceros bicornis L; thuộc họ Tê giác Rhinocerotidae.
    Đặc điểm: Là loại tê giác lớn, chiều cao ngang vai tới 150-175cm. Nặng trên dưới 1 tấn. Con đực nặng 850-1600kg, cá biệt có thể nặng đến 1800kg; con cái nhẹ hơn con đực. Tuổi thọ tối đa 30-45 năm. Con cái thường bắt đầu sinh sản từ 7 tuổi, con đực từ 8 tuổi. Tê giác con được sinh ra sau 15 tháng con mẹ mang thai. Thời gian giữa các lần sinh là 22-24 tháng, đó cũng là thời gian con non sinh ra trước đó bắt đầu tự lập.
    Số lượng sừng: Cả con đực và con cái đều có 2 sừng. Sừng trước thường dài khoảng 50cm, cá biệt có thể tới 1m. Sừng trước dài, cong về phía sau, sừng sau ngắn mọc thẳng.
    Tập tính: Sống ở các khu rừng nguyên sơ. Ăn lá, môi trên có thể dùng để vặt lá và cành non.
    Tình trạng bảo tồn: Hiện còn khoảng 3500 cá thể, phân bố ở miền Đông Châu Phi. Tình trạng bảo tồn cực kỳ nguy cấp.
    5. Tê giác trắng châu Phi (White rhinoceros):

Tê giác trắng châu Phi (Rhinoceros simus Cottoni)
    Tên khác: "Bạch tê", tên khoa học là Rhinoceros simus Cottoni; thuộc họ Tê giác Rhinocerotidae. Chia ra 2 phân loài là Tê giác trắng miền Bắc (C.s. contoni) và Tê giác trắng miền Nam (C.s. simum).
    Đặc điểm: Là loài tê giác lớn, thân có thể dài tới 4,1-4,4m. Con đực có chiều ngang vai tới 200cm, con cái tới 177cm. Con đực nặng 2000-2300kg, cá biệt có thể nặng tới 4000kg; con cái nhẹ hơn con đực, trung bình nặng khoảng 1600kg. Tuổi thọ tối đa 40-45 năm. Con cái có thể bắt đầu sinh sản từ 4 tuổi. Tê giác con được sinh ra sau 16 tháng mang thai; dừng bú sau 1 năm và tự lập sau 2-3 năm.
    Kích thước sừng: Cả con đực và con cái đều có 2 sừng. Sừng con đực to và dài hơn, sừng con cái nhỏ và ngắn hơn. Sừng trước dài hơn sừng sau. Sừng trước thường dài khoảng 90cm, các biệt có thể trên 1,5m. Sừng sau dài 33-46cm.
    Tập tính: Ăn cỏ, thích ăn loại cỏ ngắn và rậm rạp.
    Tình trạng bảo tồn: Là loại tê giác có số cá thể lớn nhất. Hiện có khoảng 20000 cá thể. Tuy nhiên quần thể tê giác trắng ở Nam Phi và Swaziland được phép săn bắt theo hình thức Trophy Hunting (săn bắn giải trí và được giữ như chiến lợi phẩm sau khi săn bắn).

Nguồn tin: Lương y Huyên Thảo - thuocvuonnha.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây