SINH HỌC SỪNG TÊ GIÁC

Thứ hai - 23/05/2022 23:46
Tê giác dùng sừng của mình để tự vệ và tấn công đối thủ, tương tự như các loài động vật có sừng khác. Nhưng sừng của động vật có móng, nói chung được sinh ra từ phần hộp sọ, với cấu trúc là một lõi xương lớn ở bên trong và một lớp vỏ mỏng keratin rắn bao bọc bên ngoài.
    Sừng tê giác không mọc ra từ xương hộp sọ như sừng của các loài động vật có móng khác, mà sinh ra bởi các lớp da đầu. Sừng tê giác cũng là loại sừng động vật duy nhất không có lõi xương.
    Do sự kết tủa của muối can-xi và hắc tố, phần lõi của sừng tê giác trở nên cứng và có thể chống lại sự bào mòn vật lý. Phần bên ngoài của sừng mềm hơn, dễ bị bào mòn do tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và tác động vật lý.
    Sừng tê giác phát triển theo từng lớp. Các lớp này bao gồm những tế bào chuyên biệt bị xâm nhập bởi keratin (trong quá trình keratin hóa), khiến chúng trở nên cứng hơn. Sừng tê giác mọc lại định kỳ, từ các tế bào biểu bì biệt hóa. Quan sát tê giác Châu Phi, các nhà khoa học nhận thấy mỗi năm sừng dài thêm khoảng 5-6cm.
    Nhìn qua kính hiển vi: Sừng tê giác có cấu trúc sợi, cấu thành bởi những ống sừng dài, đường kính trung bình 100 nanomet. Cấu trúc sợi của sừng tế giác có thể sử dụng như dấu hiệu đặc thù, để phân biệt với sừng những loại động vật khác.
    Sừng tê giác có hầu hết các acid amin thông thường, tìm thấy trong xương động vật với số lượng tương tự như nhau. Trong cơ thể người, các protein được phân hủy để hấp thụ bởi các men (enzim) ở dạ dày (men pepsin) và ruột non (men trypsin). Chất sừng cứng trong sừng tê giác không thể phân giải bởi các men kể trên, nhưng có thể phân hủy trong môi trường kiềm ở ruột già (trái ngược với môi trường acid trong dạ dày).
    Từ cuối 1880 đến 1930, keratin vẫn được sử dụng để làm lớp vỏ bọc ngoài của thuốc uống, với mục đích bảo đảm cho viên thuốc nguyên vẹn không bị ảnh hưởng khi đi qua dạ dày và sẽ được hấp thụ chậm hơn trong ruột. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng thuốc thử mạnh có tính kiềm (thường là urê) để phân lập các protein có trong sừng tê giác.
    Một số nhà nghiên cứu nhận định: Rất có thể là, tập quán mài sừng tê giác thành dạng bột để uống trong Đông y có thể giúp chất này được hấp thụ trong cơ thể người.
SỪNG TÊ GIÁC TRONG ĐÔNG Y XƯA VÀ NAY
    Thói quen sử dụng sừng tê giác để chữa bệnh ở Việt Nam đã có một lịch sử lâu đời. Thói quen đó, một phần do liên quan với nền Y học cổ truyền của nước láng giềng phía Bắc là Trung Quốc và phần còn lại hình thành từ tập quán lâu đời của người Việt Nam.
    Từ hàng ngàn năm trước, Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng sừng tê giác như một vị thuốc; sau đó lan truyền sang Nhật Bản, Triều Tiên và Viêt Nam. Trong Y học cổ truyền Trung Quốc (Trung y), sừng tê giác đã được đề cập trong "Thần Nông Bản thảo Kinh" - bộ sách thuốc đầu tiên của Trung y; sách này chia tất cả các vị thuốc thành ba loại là thượng phẩm, trung phẩm và hạ phẩm; sừng tê giác được xếp vào "trung phẩm".
    Trong sách thuốc Trung y các thời đại sau, sừng tê giác dược xếp vào loại thuốc "thanh nhiệt lương huyết" cùng với những vị thuốc quen thuộc như "sinh địa hoàng", "huyền sâm", "xích thược", "mẫu đơn bì", ... Từ năm 1993, khi Chính phủ Trung Quốc ra lệnh cấm sử dụng sừng tê giác làm thuốc chữa bệnh, trong các đơn thuốc sừng tê giác đã được thay thế bằng sừng trâu; "Thuốc vườn nhà" đã đề cập trong bài viết "Sừng trâu có thể thay thế sừng tê giác?" về vấn đề này.
    Theo chiều dài lịch sử, việc sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam cũng gắn liền với tác dụng "thanh nhiệt lương huyết". Các bệnh có thể được chữa trị bằng sừng tê giác bao gồm sốt cao, mê sảng, co giật, đau đầu, sởi, động kinh, ... Cho đến nay, một số sách về Đông y dược tiếng Việt, nói chung vẫn thường giới thiệu về những tác dụng chữa bệnh của sừng tê giác. Tuy nhiên, hiện tại sừng tê giác đã không còn có mặt trong "Dược điển Việt Nam".
    Một vấn đề cần đặc biệt lưu ý là: Có một sự khác biệt lớn giữa quan niệm của Đông y truyền thống về tính năng và tác dụng của sừng tê giác, so với những tác dụng và tính năng mà hiện nay một số người, đặc biệt là một số "đại gia", đang tán dương, quảng cáo, ... cho nó.
    Thí dụ điển hình là tác dụng chữa trị ung thư: Trong Đông y truyền thống, danh sách các chứng bệnh có thể sử dụng sừng tê giác để chữa trị không bao gồm căn bệnh ung thư. Chứng bệnh tương ứng với ung thư ác tính trong Y học hiện đại, trong Đông y truyền thống gọi là "chứng nham". Trong các tài liệu cổ truyền có đề cập đến vấn đề chữa trị "chứng nham", nhưng trong số các vị thuốc người xưa sử dụng để chữa trị "chứng nham" không thấy đề cập đến tê giác.
    Mặc dù vậy, những lời đồn đại về việc sừng tê giác có thể chữa khỏi được ung thư vẫn lan truyền nhanh chóng; sừng tê giác vẫn đang được tiếp thị như một vị thuốc có khả năng chữa trị ung thư; quảng cáo sừng tê giác như một "biệt dược" điều trị ung thư vẫn đang được đăng tải trên một số trang web của một số doanh nghiệp và cá nhân.
    Một căn bệnh khác là đột quỵ: Trong Đông y học cổ truyền, có mô tả việc sử dụng một số bài thuốc, trong thành phần có sừng tê giác, để điều trị một số chứng bệnh tương đương với một số thể bệnh thuộc thuộc phạm vi của bệnh đột quỵ trong Y học hiện đại. Điển hình là bài thuốc "An cung ngưu hoàng hoàn" mà "Thuốc vườn nhà" đã có lần đề cập. Tuy nhiên, thông tin về tác dụng chữa khỏi được đột quỵ của "An cung ngưu hoàng hoàn" chỉ là một số trường hợp lẻ tẻ, chưa được kiểm chứng thật đầy đủ. Trong khi đó, trong kho tàng các tài liệu chuyên ngành, không tìm thấy những báo cáo về kết quả sử dụng sừng tê giác để điều trị đột quỵ trên lâm sàng.
    Ngoài ung thư và đột quỵ, hiện tại còn lan truyền tin đồn cho rằng, sừng tê giác là loại thuốc cường dương mạnh, có tác dụng tăng cường chức năng sinh lý cho các quý ông, ... Xét theo quan điểm của Đông y, đó là điều hoàn toàn vô lý.
    Nhìn chung, quan niệm về tác dụng chữa bệnh của sừng tê giác giữa Đông y và Tây y (Y học hiện đại) rất khác nhau. Giới thầy thuốc phương Tây nói chung cho rằng sừng tê giác thực chất không khác gì móng chân móng tay của con người hoặc của một số loài động vật; sừng tê giác hoàn toàn không có tác dụng chữa bệnh.
    Trong khi đó, nhiều thầy thuốc Y học cổ truyền vẫn cho rằng, sừng tê giác là một vị thuốc. Không thể đồng nhất sừng tê giác với móng chân, móng tay. Sừng tê giác là vị thuốc đã có hàng ngàn năm lịch sử và được ghi chép trong "Thần Nông bản thảo kinh" - bộ sách thuốc cổ nhất của Đông y học và rất nhiều các y thư khác; tác dụng của sừng tê giác cũng đã được khẳng định trên lâm sàng từ xưa. Nói rằng "sừng tê giác không phải là thuốc" là không thể chấp nhận.
    Sừng tê giác là một vị thuốc tốt, nhưng tê giác đang trên đà bị tiêu diệt, cần được bảo vệ. Để bảo vệ loài tê giác, cần tìm những vị thuốc khác, có khả năng thay thế cho nó. Hiện tại, giới thầy thuốc Đông y nói chung cho rằng, trong phần lớn các trường hợp, có thể thay thế sừng tê giác trong các đơn thuốc Đông y bằng sừng trâu (thủy ngưu giác). Ngoài ra, tùy tình hình cụ thể, còn có thể thay thế sừng tê giác bằng những dược liệu khác, cũng có tính năng lương huyết, thanh nhiệt, giải độc, cầm máu, ... như sừng tê giác; ví dụ như sinh địa hoàng, huyền sâm, địa cốt bì, trắc bách diệp, ...

Nguồn tin: Lương y Huyên Thảo - thuocvuonnha.com:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây