Bác sĩ bán thuốc, dược sĩ kê đơn

Thứ năm - 27/06/2024 05:28

Ngày 18/6, Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Theo đó, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc (gọi chung là dược phẩm) trực tuyến phải thực hiện trên sàn giao dịch, ứng dụng thương mại điện tử hoặc website bán hàng, cấm kinh doanh trên mạng xã hội.

Nhiều ý kiến đồng tình, tuy nhiên cũng có thắc mắc: tại sao cấm bán dược phẩm trên mạng xã hội nhưng lại được kinh doanh trên sàn giao dịch điện tử hoặc website? Câu chuyện này nhắc tôi về một kỷ niệm cũ.

Năm 1998, sau một số năm ở nước ngoài, tôi về làm tại một bệnh viện lớn ở TP HCM. Khi đã ổn định, tôi mở phòng mạch tư để cải thiện thu nhập. Mỗi chiều sau giờ làm, tôi khám được 15-20 người bệnh, có đồng ra đồng vào. Tuy nhiên điều làm tôi đau đầu nhất là cách tính phí khám bệnh.

Hồi đó tất cả phòng mạch đều hoạt động theo mô hình: bác sĩ khám xong sẽ bán luôn thuốc, thu tiền. Hai bên đều hiểu ngầm trong tiền thuốc đã gồm tiền khám. Các bác sĩ mấy hôm lại đi chợ thuốc mua sỉ một lần. Lợi nhuận của phòng mạch đến từ việc mua thuốc giá sỉ và bán thuốc giá lẻ, lấy công làm lãi. Bệnh nhân cũng tin thuốc của bác sĩ hơn là ra tiệm tự mua. Bác sĩ giữ chân bệnh nhân bằng cách cắt hết nhãn thuốc. Các tiệm thuốc tây cũng ra sức lôi kéo khách, người bệnh kể triệu chứng, người bán sẽ lựa thuốc cho khách đem về uống.

Ai học y cũng hiểu ngành y phân công rõ ràng: bác sĩ khám bệnh còn dược sĩ bán thuốc. Tình hình lúc đó thật lộn xộn, bác sĩ thì bán thuốc, dược sĩ thì kê đơn; nhưng cũng không ai giám sát chặt chẽ, vì chưa có luật.

Năm 2005 luật Dược ra đời. Điều 9 liệt kê những hành vi bị cấm: Cấm kinh doanh thuốc mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Cấm hành nghề dược mà không có Chứng chỉ hành nghề dược. Cấm bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc. Tiếp theo, luật Dược 2016, những hành vi bị cấm trên còn được nhấn mạnh hơn, để ở ngay điều 6.

Luật Dược có tác dụng rất lớn, lập lại trật tự hoạt động khám chữa bệnh, từ đó tách bạch vai trò của phần Y và phần Dược. Nói một cách dễ hiểu, luật Dược cấm bác sĩ bán thuốc và cũng cấm dược sĩ kê đơn.

Vai trò của đơn thuốc được nhấn mạnh. Đơn thuốc là kết tinh trí tuệ của thầy thuốc, thể hiện ở chẩn đoán ra bệnh gì, dùng thuốc nào, liều lượng và cách dùng ra sao. Chữ ký dưới đơn thuốc thể hiện trách nhiệm pháp lý của bác sĩ với nội dung đơn thuốc. Từ nay, bác sĩ chỉ cần chuyên tâm khám bệnh kê đơn, hưởng thù lao từ việc đó.

Dược sĩ khi bán thuốc phải đúng theo đơn, đảm bảo thuốc đúng chất lượng và số lượng. Dược sĩ là chốt chặn cuối cùng, kiểm tra xem có sai sót gì về liều lượng hay cách dùng, nếu có thì phản hồi lại bác sĩ. Tất cả chuỗi hành động nghiêm ngặt đó để đảm bảo thuốc đến người bệnh một cách an toàn và hiệu quả.

Nhưng sự phát triển của mạng xã hội khiến việc kinh doanh dược phẩm lại bước vào một giai đoạn lộn xộn khác. Ai cũng có thể đăng bài quảng cáo thuốc, thổi phồng tác dụng chữa bệnh, mạo danh các thầy thuốc hay cơ sở nổi tiếng, có dấu hiệu lừa đảo bệnh nhân. Các giao dịch trên không gian ảo này không được đảm bảo, rủi ro người mua tự gánh chịu.

Như vậy, chỉ vận dụng các luật hiện có cũng thấy bán thuốc trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật, cần phải cấm. Tuy vậy, tôi ủng hộ việc đưa thành một điều luật riêng, cấm bán thuốc trên mạng xã hội, do số lượng vi phạm này rất nhiều và điều kiện mở tài khoản cũng như đăng bài trên mạng khá lỏng lẻo.

Cấm bán thuốc trên mạng xã hội không mâu thuẫn với việc cho phép kinh doanh dược phẩm online trên sàn giao dịch, ứng dụng thương mại điện tử hoặc website bán hàng. Chỉ cần khi cấp phép, cơ quan chức năng đã đảm bảo các khía cạnh pháp lý đối với mặt hàng kinh doanh có điều kiện này.

Cho phép giao dịch dược phẩm qua sàn thương mại điện tử sẽ giúp lưu thông phân phối thuốc một cách nhanh chóng, cũng là xu hướng không thể cưỡng lại trong thời đại công nghệ thông tin. Hiện nay trong kinh doanh dược phẩm đang có một bất cập, là sự tồn tại các chợ bán sỉ thuốc. Mỗi chợ có hàng trăm doanh nghiệp với khối lượng tiền hàng trao tay mỗi ngày rất lớn. Mô hình chợ thuốc đầu mối này chứa đựng nhiều mối lo về thuốc kém chất lượng, thuốc nhập lậu, trốn thuế... Nhà quản lý cũng muốn xóa bỏ nhưng chưa làm được, do lo ngại ách tắc lưu thông phân phối thuốc. Các sàn thương mại điện tử về thuốc sẽ góp phần giải quyết vấn đề này. Như vậy sàn thương mại điện tử về dược phẩm sẽ giúp hiện đại hóa khâu bán sỉ, giúp thu hẹp dần, tiến tới xóa bỏ các chợ đầu mối bán sỉ thuốc.

Các website bán lẻ thuốc cũng là bước tiến mới trong kinh doanh dược phẩm. Hiện nay website của các chuỗi nhà thuốc được thiết kế công phu, cung cấp nhiều thông tin, thuận tiện cho người bệnh. Các website này không chỉ là một cửa hàng thuốc trên thế giới ảo, mà bắt buộc phải có cơ sở kinh doanh trên thực tế. Điều này là cần thiết vì sản phẩm kinh doanh là dược phẩm, cần phải có kho chứa tuân thủ theo luật.

Vấn đề gây lấn cấn còn lại chủ yếu là: làm thế nào để quản lý việc bán thuốc theo đơn đối với các giao dịch online qua sàn thương mại và website? Đây cũng là lý do dẫn đến sự cho phép nửa vời: các website bán hàng chỉ được phép bán các loại thuốc không kê đơn, còn thuốc kê đơn vẫn phải đến cửa hàng mua trực tiếp.

Tuy nhiên thực tế cuộc sống luôn đi trước. Trong khi các nhà làm luật còn đắn đo, thì tình trạng mua bán thuốc online đã diễn ra từ lâu. Chỉ một cuộc gọi đến cửa hàng trao đổi về tên thuốc, số lượng và giá cả, là có shipper mang đến tận nhà. Thay vì cấm đoán, chúng ta phải thuận theo xu thế của thời đại, thích ứng với những đòi hỏi của thực tiễn bằng giải pháp quản lý khoa học.

Điều cần làm ngay là chấn chỉnh việc bán thuốc theo đơn. Việc này đã có quy định, nhưng trên thực tế bị thả lỏng. Chấn chỉnh không khó. Cơ quan chức năng cần phạt nặng những ai kinh doanh ngoài sổ sách, không lưu trữ đơn thuốc. Việc bán lẻ thuốc kê đơn online phải bị ràng buộc bởi các quy định đối chiếu sổ sách xuất nhập theo đơn thuốc được lưu trữ. Sổ sách của cửa hàng thuốc cần kết nối trực tuyến với các bệnh viện, phòng khám trên địa bàn và với máy chủ của cơ quan quản lý y tế địa phương. Trình độ công nghệ thông tin hiện tại cho phép làm tốt các việc này, ví dụ rõ nhất là hệ thống mạng của bảo hiểm y tế, hiện đã quản đến từng viên thuốc của từng bệnh án, có gì không đúng là xuất toán ngay.

Kinh doanh thuốc online là xu hướng chung của thế giới. Tháng 12/2023, Chính phủ Mexico đã khánh thành Trung tâm Phân phối Dược phẩm Quốc gia có quy mô lớn nhất thế giới, kết nối với toàn bộ hệ thống bệnh viện và cơ sở y tế trong cả nước để đưa sản phẩm y tế hoàn toàn miễn phí đến tay người bệnh trong thời gian tối đa 48 giờ, bất kể tới địa điểm nào trên toàn lãnh thổ. Bộ Y tế Mexico quy định để nhận được thuốc theo đúng nhu cầu, người dân cần trình được đơn chỉ định của bác sĩ.

Thay vì cấm đoán, không theo kịp xu thế cuộc sống, gián tiếp đẩy người dân và doanh nghiệp đến hành vi mua bán phạm pháp, việc của nhà làm luật là tạo ra hành lang pháp lý với quy định và chế tài rõ ràng để từng bước thực thi.

Quan Thế Dân
 

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây