CHỮA BỆNH THEO " THẦN Y"

Thứ hai - 16/05/2022 05:44

Đang điều trị ổn định với phác đồ Tây y tại bệnh viện ở Hà Nội, bố của T. bỗng bỏ lên Sapa theo thầy lang uống thuốc gia truyền.

Nhóm hỗ trợ bệnh nhân ung thư Y học cộng đồng chúng tôi mới nhận được lời cầu cứu "giúp bố em với" của T.

Bố T. năm nay 46 tuổi, ở Hà Nội, bị chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn bốn tháng 6 năm ngoái. Việc điều trị với phác đồ dùng thuốc nhắm đích do bác sĩ kê đơn - một phương pháp tiên tiến ức chế tín hiệu tăng sinh đặc thù của khối u - đang tốt, ông bỏ bệnh viện theo lời người quen mách bảo.

Thầy lang yêu cầu bệnh nhân ngừng dùng thuốc Tây và ăn uống kiêng khem, gần như chỉ có rau, cơm với muối lạc, muối vừng. Sau gần ba tháng, bệnh trở nặng. Bố T. bị khó thở và đau nhiều hơn. Bệnh chuyển xấu từ khi uống thuốc gia truyền.

Chia sẻ của T. chỉ là một trong hàng trăm lời cầu cứu tương tự mà chúng tôi nhận được khi vận hành dự án hỗ trợ người bệnh trong ba năm qua. Mỗi năm, Việt Nam có hơn 182 nghìn người nhận chẩn đoán mắc ung thư. Không có khảo sát nào cho biết số ca bệnh gặp kết cục xấu vì theo các liệu pháp dân gian hay "lang băm", nhưng tôi ước đoán không ít.

Một số thành viên chia sẻ cảm thông với T. "Khổ thân bố chị, đúng là có bệnh vái tứ phương", nhưng cũng không thiếu người trách móc, "Trời ơi, sao nhà bạn dại thế. Không chữa ở bệnh viện lại đi tin lang băm"; "May mắn mới trúng nhóm đáp ứng thuốc nhắm đích mà lại bỏ mất cơ hội điều trị ở bệnh viện quá phí".

Những góp ý dù chân tình chỉ làm người nghe thêm nhói lòng.

Là một quản trị viên của nhóm, tôi thường tự hỏi tại sao bệnh nhân và người nhà họ lại dễ dàng bỏ bác sĩ và bệnh viện, tìm tới những liệu pháp "lang băm" như vậy. Phải chăng họ thiếu kiến thức? thiếu niềm tin vào bác sĩ và y học hiện đại?

Sau thời gian dài tìm hiểu, tôi nhận ra nguyên nhân quan trọng: nhiều bệnh nhân và bác sĩ không thể gặp nhau vì đang sống ở hai "thế giới" khác nhau.

Trong khi các bác sĩ thường cố gắng giảng giải cho bệnh nhân hiểu về điều trị tiêu chuẩn trong tình huống căn bệnh, với nhiều bằng chứng khoa học nhất, mang lại khả năng thắng lợi cao nhất thì nhiều người bệnh lại nghĩ rằng "tiêu chuẩn" chỉ là kiểu "trung bình", kiểu "đại trà". Và họ muốn phương pháp nào đó đặc biệt hơn, thần kỳ hơn.

Các bác sĩ hay dự đoán tiên lượng theo xác suất và dữ liệu thống kê, ví dụ "tỷ lệ thuốc giúp teo nhỏ khối u là 40% - 45%, thời gian thuốc giúp giữ bệnh không tiến triển thêm là 8-12 tháng". Những con số này đôi khi không "đi vào đầu" người bệnh.

Đơn giản, bệnh nhân và người thân của họ muốn đi tìm niềm tin chữa lành chứ không phải là những con số khô khan mà bác sĩ cung cấp. Các bác sĩ với thói quen từ môi trường đào tạo thường ít dám tuyên bố chữa lành như mong mỏi của người bệnh.

Trong khi đó, ngược lại, các "thần y" thường tuyên bố như đinh đóng cột "100% khỏi bệnh nan y", "không khỏi không lấy tiền". Đó chính là điều bệnh nhân đang tìm kiếm.

Cũng vì tâm lý muốn chữa lành nhanh nhất bằng mọi giá mà bệnh nhân và người thân dễ tìm đến những tin đồn như ông A ở tỉnh B nhờ thang thuốc C mà khỏi hẳn bệnh. Với sự tiếp sức của mạng xã hội, đôi khi có thêm nhóm bán hàng trá hình, những tin đồn thất thiệt kiểu "đảm bảo chữa khỏi" càng được lan đi nhanh chóng và rộng khắp.

Xem những video quảng cáo hay livestream không được kiểm chứng nhưng liên tục lặp lại "ba đời nhà tôi chữa bệnh này"; "bản thân cô đã chữa hơn 40 năm, chưa có bệnh nhân nào bảo là không khỏi"; "uống là khỏi 100%", tôi không quá ngạc nhiên khi có người trao vội niềm tin cho "thần y".

Việc tin vào điều gì đó là quyền tự do của con người, nhưng liệu việc "đi câu" niềm tin có cần được quản lý hay không?

Đôi khi, tôi thấy thật bất công cho những bác sĩ đồng nghiệp vì họ đang bị thử thách trong trận chiến không cân sức. Vài bác sĩ nói với tôi, họ đã bỏ ra hàng giờ để tư vấn cho người bệnh tin tưởng vào điều trị, nhưng rốt cuộc bệnh nhân vẫn đi theo những cách chữa bậy bạ do tin đồn bủa vây suốt thời gian ở nhà.

Đành rằng trong tâm lý thiếu niềm tin của bệnh nhân có phần trách nhiệm của y bác sĩ, nhưng để quảng cáo quá tay, tin giả lộng hành là lỗi của quản lý nhà nước.

Là bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Nhật Bản, tôi nhận thấy sự khác biệt rõ rệt giữa Việt Nam và Nhật Bản ở các quy định về quảng cáo y tế. Ở Nhật, nếu không có số liệu khoa học khách quan, chắc chắn được kiểm định bởi Bộ Y tế hay hiệp hội chuyên ngành, người bán hàng tuyệt đối không được ghi chú hay quảng bá về công dụng phòng, chữa bệnh của sản phẩm. Nhưng tại Việt Nam, ta có thể thấy nhan nhản quảng cáo sản phẩm ABC nào đó có thể chữa bách bệnh mà không hề có bằng chứng đi kèm.

Qua những lần kiểm chứng thông tin bệnh nhân mang đến, chúng tôi nhận thấy một điều: hầu hết thực phẩm chức năng của Nhật được quảng cáo giúp chữa bệnh tại Việt Nam không được ghi bất cứ thông tin gì về khả năng giúp chữa những bệnh đó tại nước sở tại. Thậm chí, có sản phẩm vi phạm luật quảng cáo y tế tại Nhật Bản, bị xử phạt và yêu cầu sửa đổi cách trình bày từ 5-6 năm trước, nay lại trà trộn về Việt Nam và vẫn được ca ngợi như thuốc thần. Không chỉ thực phẩm chức năng, vô số danh y và thần y tự xưng đang hoành hành với các bài thuốc gia truyền trên toàn quốc. Liệu pháp thụt tháo hậu môn bằng cà phê hay cách kiềm hóa cơ thể đang được một số nhóm tích cực cổ súy mặc dù đã có khuyến cáo từ giới chuyên môn.

Tôi thật sự ngạc nhiên khi ở Mỹ có bác sĩ bị kiện, bắt bồi thường hàng triệu USD vì khuyên bệnh nhân kiềm hóa cơ thể gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng ở Việt Nam, bệnh nhân có chết vì lang băm cũng chẳng cơ quan chức năng nào hỏi thăm.

Sự ra đời những trường Y khoa đầu tiên tại châu Âu 800 năm trước chú trọng vào y học chính thống đã thực sự thúc đẩy y tế, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng. Quá trình hiện đại hóa, quy chuẩn hóa đó đã đẩy lùi ảnh hưởng của thầy cúng và lang băm, giúp bệnh nhân tìm tới những điều trị tốt nhất được cung cấp bởi các bác sĩ dưới ánh sáng khoa học. Với góc nhìn này, phải chăng Việt Nam vẫn còn quá xa mục tiêu hiện đại hóa ngành Y khi "để xổng" những lang băm không bằng cấp và sản phẩm không bằng chứng?

Bố T. hiện đã trở lại bệnh viện để điều trị sau phen hú vía. Chúng tôi mừng cho ông và cũng cảm ơn ông đã đồng ý chia sẻ câu chuyện này với bệnh nhân khác.

Giữ vững niềm tin cho bệnh nhân, ngoài trách nhiệm của bệnh viện và y bác sĩ còn là trách nhiệm của các ban ngành liên quan và cả toàn xã hội. Bởi nếu dân trí y tế tăng lên, nếu hàng xóm, người quen không mách bảo tùy tiện, sẽ bớt đi những nạn nhân của lang băm.

Những động thái cương quyết hơn để thắt chặt thực thi các quy định về quảng cáo y tế và hành nghề khám chữa bệnh là yêu cầu cấp thiết hôm nay, khi sức mạnh của mạng xã hội ngày càng khó kiểm soát.

Nguồn tin: BS.TS.Phạm Nguyên Quý . VnExpress

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây