- Vị trí: Ở cạnh trong ống chân, từ mắt cá trong lên 3 thốn, phía sau xương chày, chỗ hội của 3 kinh âm: Túc thái âm, Thiếu âm, Quyết âm. ( Bờ trong xương chày, trên điểm cao nhất của mắt cá trong khoảng 3 thốn. Cách xác định: Từ điểm cao nhất của mắt cá trong, đo lên 3 thốn (chiều rộng 1 bàn tay) và xác định vị trí huyệt Tam âm giao (Mi/SP 6) tại đây, trong chỗ lõm thường nhạy cảm với áp lực ở bờ sau của xương chày. Đôi khi, điểm này cũng nằm ở xa hơn xương chày về vùng bụng chân, độ nhạy với áp lực sẽ quyết định. Ở trạng thái sung mãn, huyệt cũng thường nổi lên. Ở vị trí bên ngoài tương đương là Tuyệt cốt/Huyền chung (Gb 39) (3 thốn trên điểm cao nhất của mắt cá ngoài ở bờ trước xương mác, điểm giao nhau của ba kinh dương). - Cách lấy huyệt: Ngồi ngay, co đầu gối, hoặc nằm ngửa duỗi chân, dùng bốn ngón tay người bệnh (trừ ngón cái) kẹp lại để nằm ngang trên xương chày, một bên là mắt cá trong, một bên về phía trên là huyệt. - Cách châm cứu: Châm đứng kim, mũi kim hướng về huyệt Tuyệt cốt, sâu 0, 5- 1 thốn, hoặc châm chếch xuống dưới theo ven sau xương chày sâu 1- 2 thốn, có thể có cảm giác tê như điện lan đến mắt cá trong, cứu 3 mồi, hơ 5 - 10’. - Chủ trị: Phạm vi chủ trị của huyệt này rất rộng, đàn bà kinh nguyệt không đều, máu kinh ra quá nhiều, đau bụng hành kinh, băng huyết, khó đẻ; choáng váng sau khi đẻ, khí hư, ngứa cửa mình; đàn ông xuất tinh sớm, di tinh, liệt dương, đau dương vật; phù thũng; khó đái; đái dầm; tiêu hóa kém, đầy chướng bụng; sôi ruột, mất ngủ; trúng gió hư thoát; thần kinh suy nhược; mụn trĩ; đau chi dưới; thấp chẩn; liệt một bên; viêm da do thần kinh, dị ứng mẩn ngứa; tỳ vị hư nhược; bế kinh, không có con; thai chết trong bụng; sau khi đẻ nước hôi không ra; đái đục; đau sán khí; không nghĩ đến ăn uống; tỳ đau, mình nặng, tứ chi không giơ lên được; có hòn hạch, bụng lạnh; đau cạnh trong đầu gối; chân teo không đi được; đảm hư; sau khi ăn thì nôn ra nước; hoắc loạn; chân tay nghịch lạnh; ngáp trễ miệng; quai hàm mở trật ra, miệng há không ngậm lại được; nguyên tạng phát động dưới rốn đau không chịu được; trẻ em kinh phong; đàn bà đang hành kinh mà giao hợp sinh ra gầy yếu, có hòn cục, máu ra nhỏ giọt không dứt; có chửa thai động; đẻ ngang. Nếu kinh mạch không thông, bí tắc, tả ở đó thông ngay, kinh mạch hư tổn không hành, bổ ở đó, kinh mạch thêm mạnh thì thông. -Tác dụng phối hợp: với Túc tam lý chữa bệnh đường ruột; với Quan nguyên (hoặc Trung cực) chữa đái dầm; với Nội quan, Thái xung chữa lưỡi nứt chảy máu; với Khí hải, Trung cực, Trung quản trị bế kinh, kinh nguyệt không đều; với Hợp cốc gây ra dễ đẻ, mau đẻ; với Trung quản, Nội quan, Túc tam lý chữa viêm mạch máu do tắc máu; với Hợp cốc, Thái xung trị khó đẻ. Y án nói rằng: “Tống Thái Tử ra đường gặp người đàn bà chửa, chẩn rằng: “con gái”, Từ Văn Bá đáp: “Một trai, một gái”, Thái Tử tính tuổi xem ngay, Văn Bá tả Tam âm giao, bổ Hợp cốc, thai ra đúng như Văn Bá chẩn. Đời sau theo đó lấy cấm châm Tam âm giao và Hợp cốc ở đàn bà chửa”. Nhưng Văn Bá tả Tam âm giao, bổ Hợp cốc mà trụy thai, ngày nay riêng không bổ Tam âm giao, tả Hợp cốc mà an thai? Đúng là Tam âm giao, ba mạch can, tỳ, thận hội ở đó, đáng bổ, không đáng tả. Hợp cốc là nguyên của đại trường, đại trường là phủ của phế, chủ khí, đáng tả, không đáng bổ, Văn Bá tả Tam âm giao, bổ Hợp cốc là huyết suy khí vượng vậy. Nay bổ Tam âm giao, tả Hợp cốc là huyết vượng khí suy. Theo Lưu Nguyên Tân cũng nói: “Huyết suy, khí vượng nhất định không chửa, huyết vượng khí suy có thể ứng” (Huyết suy khí vượng, định vô nhâm, huyết vượng khí suy ứng hữu thế).